Sáng 27/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã phát biểu về các vấn đề như: Việc sửa đổi Luật Việc làm nhằm đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững; việc đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tương thích với các luật có liên quan; cho ý kiến về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm; các đối tượng cụ thể được quy định trong dự thảo luật.
Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Việc làm với các nội dung được Chính phủ đề cập trong Tờ trình; đồng thời nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Xã hội của Quốc hội.
Nhằm hoàn thiện các quy định trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu cũng góp ý một số vấn đề như:
Về tín dụng chính sách giải quyết việc làm tại điểm a, khoản 2, Điều 7 quy định nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm: Ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ chi đầu tư phát triển khác. Về nguồn vốn Trung ương, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định nguyên tắc phân bổ nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương đến các Ngân hàng chính sách xã hội địa phương. Trong đó có ưu tiên phân bổ nguồn vốn nhiều hơn đối với các tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp, phụ thuộc lớn vào ngân sách trung ương. Vì các địa phương này có đối tượng có nhu cầu vay vốn rất lớn, nhưng nguồn thu ngân sách hạn hẹp nên việc bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương sang Ngân hàng chính sách xã hội cũng không nhiều.
Để có thêm nguồn vốn cho chương trình giải quyết việc làm, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét có cơ chế chuyển nguồn vốn vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, không giải ngân được do hết đối tượng được chuyển sang chương trình cho vay giải quyết việc làm có nhu cầu vốn cao nhưng không có nguồn để cho vay.
Về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm tại điểm b, Điều 8, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các đối tượng là người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình người dân tộc thiểu số. Đây là những đối tượng cũng rất khó khăn, có nhu cầu vay vốn lớn, nhưng rất khó tiếp cận với các Ngân hàng thương mại cần tài sản đảm bảo hoặc khả năng chi trả lãi không đáp ứng được yêu cầu. Đề nghị sửa đổi quy định tại điểm c theo hướng xem xét bỏ cụm từ “dân tộc kinh” bởi vì hộ nghèo thì bất kể họ thuộc dân tộc nào thì cũng cần được hỗ trợ và bổ sung cụm từ “xã biên giới” vào quy định này. Vì ngay trong sự cần thiết ban hành Luật Việc làm (sửa đổi) của Chính phủ nêu “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng về mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực (một trong ba khâu đột phá chiến lược) và hỗ trợ phát triển thị trường lao động, cụ thể: “Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới”. Do vậy, đề nghị bổ sung đối tượng người lao động sinh sống tại các xã biên giới vào quy định này là phù hợp với quan điểm của Đảng và viết lại điểm c như sau: “Người lao động thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại xã phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) đặc biệt khó khăn, xã biên giới, huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp xã nhưng thuộc danh sách xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã không phải là xã đặc biệt khó khăn”.
Tương tự như vậy, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung các đối tượng như trên tại các điểm a, b khoản 2, Điều 10 về đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đây, đại biểu rất mong các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội khi xây dựng và thẩm tra các cơ chế chính sách, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đối tượng người dân sinh sống tại khu vực biên giới, bởi có nhiều văn bản của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về chủ trương, ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới. Tuy nhiên khi quy định các chính sách cụ thể thì lại không được đưa vào, hoặc ngay từ đầu không có báo cáo tác động chính sách, dự kiến bố trí nguồn lực xây dựng chính sách cho người dân khu vực biên giới nên khi có ý kiến đề nghị bổ sung thì lại chưa đầy đủ căn cứ để đưa vào quy định.
Cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân, Luật Công đoàn (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Quỳnh Lan
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý kiến vào Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Ban Dân tộc HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra nội dung trình kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi)
Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra các nội dung trình tại kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh cuối năm 2024 (Phiên họp ngày 26/11/2024)
Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu góp ý vào báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Quyết định của UBND tỉnh; kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND tỉnh; việc giải quyết kiến nghị cử tri và kiểm tra tình hình, kết quả tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn kiến nghị của công dân năm 2024
Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát tình hình thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 tại huyện Bình Gia
Khảo sát Dự án Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn