VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Ban Văn hóa-xã hội HĐND tỉnh giám sát tại Sở Giáo dục và Đào tạo

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 165 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Ngày 04/10/2014, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh do đồng chí Nông Văn Thảm, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện kế hoạch giáo dục phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi; thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú và thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ đối với học sinh dân tộc thiểu số; học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

    Qua giám sát nhận thấy: Việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và việc củng cố, phát triển loại hình trường PTDTBT đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo. Hầu hết các huyện, thành phố đã hoàn thành việc quy hoạch đất cho các trường học theo quy hoạch phát triển giáo dục đến năm 2020. Đến nay hệ thống trường mầm non trên toàn tỉnh là 208 trường, mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư đáp ứng nhu cầu huy động trẻ năm tuổi được phổ cập và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Đối với việc thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, hiện nay đã chuyển đổi được 85/89 trường PTDTBT đạt 95% theo kế hoạch. Việc thực hiện chế độ chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số; học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa được triển khai thực hiện nghiêm túc theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, ngày 21/12/2010 và Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg, ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

    Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn có một số khó khăn, hạn chế: Một số địa phương chưa thực sự chủ động trong bố trí các nguồn lực cho nhiệm vụ PCGDMD cho trẻ năm tuổi; số phòng học lớp mẫu giáo năm tuổi chưa đạt chuẩn cho trẻ em năm tuổi còn lớn; số lớp học ghép 2-3 độ tuổi chiếm tỷ lệ cao; tiến độ xây dựng trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia còn chậm, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia còn thấp so với khu vực và cả nước. Tình trạng thiếu cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đang là trở ngại lớn; số giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo, giáo viên trình độ chuyên môn khác đang dạy mầm non còn chiếm tỷ lệ cao. Đối với công tác phát triển loại hình trường PTDTBT còn gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là cơ sở vật chất, hầu hết các trường còn thiếu phòng học, phòng ở, giường ngủ, nhà bếp, nhà ăn, dụng cụ nấu ăn, thư viện… nên việc tổ chức hoạt động gặp nhiều trở ngại. Chính sách đối với trường bán trú chưa tương xứng với tính chất công việc của trường chuyên biệt.

    Đoàn giám sát đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ theo lĩnh vực thuộc Sở quản lý theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo đúng tiến độ kế hoạch. Tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực để tăng cường, củng cố điều kiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi; thực hiện Đề án phát triển và củng cố hệ thống trường PTDTBT. Quan tâm chỉ đạo để thực hiện hoàn thành Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTBT và thực hiện tốt các chế độ, cơ chế chính sách hỗ trợ đối với học sinh dân tộc thiểu số; học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu giải pháp giải quyết tình trạng thiếu cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức các lớp tập huấn và chỉ đạo các đơn vị tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên của đơn vị.

    Trước đó, Đoàn giám sát đã tổ chức giám sát theo nội dung Kế hoạch số 255/KH-HĐND, ngày 04/9/2014 tại xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia; UBND huyện Bình Gia; xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc và UBND huyện Cao Lộc.

Hoàng Thị Hồng Oanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *