Ngày 02, 03 và 7/10/2014, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành giám sát việc chấp hành pháp luật Tố tụng Hành chính tại Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân các huyện Cao Lộc và Lộc Bình.
Qua giám sát cho thấy: Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cố gắng trong công tác xét xử các vụ án hành chính; đảm bảo việc giải quyết, xét xử và ra bản án, quyết định đúng pháp luật, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đáp ứng yêu cầu công tác của ngành và Nghị quyết số 37, Nghị quyết 63 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án. Đối thoại trong việc giải quyết vụ án và hoạt động tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng. Các bản án, quyết định rõ ràng. Không có bản án, quyết định nào bị đương sự hoặc cơ quan Thi hành án yêu cầu giải thích. Không có tình trạng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu Chỉ thị số 17/CT- TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai công tác thi hành án hành chính.
Việc giải quyết, xét xử các vụ án hành chính đã tác động tích cực tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình ban hành các quyết định hành chính, tránh những sai sót, hạn chế.
Tuy nhiên trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, còn có một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của người tiến hành tố tụng trong công tác thụ lý, giải quyết vụ án hành chính còn có thiếu sót; thu thập chứng cứ chưa đầy đủ; đánh giá chứng cứ chưa toàn diện; xác định thiếu người tham gia tố tụng, nhất là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan dẫn đến tỷ lệ án hành chính bị sửa, hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán còn cao. Một số vụ án hành chính đã hết thời gian gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử vẫn không giải quyết được do cần bổ sung tài liệu, chứng cứ…
Nguyên nhân là do nhiều quy định của pháp luật tố tụng hành chính hiện hành chưa rõ ràng, cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ, kịp thời dẫn đến việc giải quyết một số nội dung trong vụ án hành chính mang tính chủ quan, thiếu thống nhất. Mặt khác, khiếu kiện quyết định hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm 75 %, trong khi chính sách, pháp luật về đất đai và công tác quản lý nhà nước về đất đai qua các thời kỳ còn nhiều bất cập, cơ quan Tòa án gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ khi giải quyết vụ án hành chính liên quan đến đất đai…
Kỹ năng giải quyết án hành chính của một số Thẩm phán còn hạn chế. Việc nghiên cứu, áp dụng các quy định pháp luật trong giải quyết vụ án hành chính chưa bảo đảm yêu cầu. Hội thẩm nhân dân tham gia giải quyết án hành chính còn lúng túng, e ngại. Nhận thức pháp luật nói chung, các quy định của pháp luật tố tụng hành chính nói riêng của người khởi kiện còn hạn chế dẫn đến việc khiếu kiện không có căn cứ; không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ tố tụng theo quy định của pháp luật.
Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của người khởi kiện, người bị kiện, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ chưa đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định; việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng chưa thực hiện kịp thời hoặc không lập thành biên bản theo quy định, không gửi biên bản giao văn bản tố tụng cho Tòa án… dẫn đến việc giải quyết vụ án gặp khó khăn, kéo dài.
Đoàn giám sát kiến nghị Tòa án cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng Luật Tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn pháp luật mới ban hành đối với đội ngũ cán bộ, công chức Hội thẩm nhân dân các cấp; nâng cao kỹ năng giải quyết các vụ án hành chính để nâng cao chất lượng xét xử, giảm tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Hoàng Thu Hằng
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát tại huyện Đình Lập
Kỳ họp thứ ba mươi của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV năm 2024
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Lộc Bình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Hữu Lũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về một số luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch và đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam