VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 116 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Thực hiện Nghị quyết số 882/NQ-UBTVQH13 ngày 23/01/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức giám sát đối với hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 31/3/2015, Đoàn giám sát của Ban Công tác đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội do bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu làm Trưởng đoàn giám sát đã có buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn. Dự làm việc với Đoàn có đồng chí Phùng Thanh Kiểm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh và đại diện Thường trực HĐND các huyện Lộc Bình, Văn Lãng, Chi Lăng và thành phố Lạng Sơn.

Các đại biểu dự buổi làm việc của Đoàn giám sát (ảnh: Quốc Khánh)

    Kết quả giám sát cho thấy từ đầu nhiệm kỳ đến nay (2011- 2016) HĐND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức 11 kỳ họp (trong đó có 01 kỳ họp chuyên đề và 01 kỳ họp bất thường); ban hành 166 nghị quyết, trong đó có 43 nghị quyết chuyên đề. Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh thực hiện chức năng giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, các Ban HĐND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp; thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp; tiến hành hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát trực tiếp 70 cuộc tại 402 cơ quan, đơn vị (đã có 764 kiến nghị đối với UBND, các cấp, các ngành). Hoạt động TXCT được quan tâm, các đại biểu HĐND tỉnh đã TXCT tại 546 điểm, có tổng số 24.221 lượt cử tri tham dự với 490 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri, các ý kiến, kiến nghị của cử tri được xem xét giải quyết, trả lời đạt tỷ lệ 100%. Thường trực HĐND tỉnh nhận được 741 đơn thư, đã chuyển đơn, trả lời, hướng dẫn công dân 430 đơn, không có đơn thư tồn đọng hàng năm; nhận được 85 văn bản phúc đáp của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của của HĐND tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc: một số quy định của Luật chưa có hướng dẫn cụ thể, thiếu ràng buộc pháp lý, dẫn đến việc triển khai thực hiện kém hiệu quả, như quy định về hoạt động giám sát, do thiếu chế tài cần thiết nên một số kiến nghị qua kết quả giám sát chưa được giải quyết triệt để và trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền cũng không được xem xét cụ thể. Công tác quy hoạch cán bộ Hội đồng nhân dân chưa được quan tâm đúng tầm, thiếu kế hoạch cụ thể về đào tạo nguồn cán bộ kế cận có đủ năng lực, phẩm chất, trình độ và kinh nghiệm trong công tác Hội đồng nhân dân. Số lượng, chất lượng đại biểu tuy đã được nâng lên một bước, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi thực tế. Trong việc quyết định các vấn đề quan trọng, chất lượng một số quyết định chưa cao, hiệu lực thực thi thấp. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cụ thể về thời gian tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, một số văn bản khi gửi lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản thời gian rất hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng tham gia góp ý đối với dự thảo. Một số ý kiến tham gia góp ý của các cơ quan địa phương chưa được các cơ quan Trung ương nghiên cứu tiếp thu kịp thời nên một số văn bản được ban hành chưa thật sự sát với thực tiễn ở địa phương…

    Tại buổi làm việc, Thường trực HĐND tỉnh đã giải trình làm rõ thêm các vấn đề Đoàn giám sát quan tâm: mô hình tổ chức HĐND các cấp trong hệ thống chính quyền địa phương; công tác phối hợp trong tổ chức kỳ họp HĐND; việc thực hiện chức năng giám sát của cơ quan dân cử; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội; công tác quy hoạch cán bộ HĐND; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân cử; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND; các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của HĐND…

    Thay mặt Đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác đại biểu đã ghi nhận những kết quả đạt được trong hoạt động của HĐND tỉnh Lạng Sơn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời tiếp thu những kiến nghị của tỉnh về mô hình tổ chức HĐND các cấp trong hệ thống chính quyền địa phương được giữ nguyên ở cả 3 cấp hành chính quy định tại Hiến pháp năm 2013; có quy hoạch cụ thể đối với nhân sự Thường trực HĐND, các Ban HĐND, tăng tỷ lệ đại biểu HĐND trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, đại biểu ngoài Đảng; sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, trong đó tập trung vào việc hoàn chỉnh cơ cấu bộ máy HĐND theo hướng thay đổi chức danh Ủy viên Thường trực thành chức danh Phó Chủ tịch để bảo đảm hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh… để hoạt động của HĐND đi vào thực chất, tránh hình thức như hiện nay.

    Trước đó, vào buổi chiều ngày 30/3/2015, Đoàn giám sát đã có buổi làm việc về nội dung trên đối với Thường trực HĐND huyện Hữu Lũng./.

                                                                                                                      Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *