VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

Thứ Ba, 14 Tháng Mười Hai, 2021 162 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Chiều ngày 27/10, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020; đồng thời, nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên thảo luận trực tuyến

Bà Chu Thị Hồng Thái, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lạng Sơn đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu cơ bản đồng tình với các Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Trên cơ sở nghiên cứu các báo cáo và thực tiễn của địa phương đại biểu đã phát biểu tham gia một số nội dung như sau:

Thứ nhất, về bảo hiểm xã hội tự nguyện trong báo cáo thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm năm 2020, đại biểu cho rằng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2020 là 2,33% tăng gấp 02 lần so với năm 2019, vượt chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vẫn là con số khiêm tốn so với tiềm năng, chính vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu rà soát các quy định, sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm để có các biện pháp tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện cũng như giải quyết những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc như các báo cáo đã nêu.

Thứ hai, về Báo cáo công tác quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, đại biểu đã tham gia 03 nội dung:

Về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, đại biểu đề xuất Chính phủ cần có báo cáo tổng kết việc thực hiện thí điểm, đánh giá các tác động về mọi mặt khi đưa phương thức thanh toán này, nếu có tác động tích cực thì cần sớm ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện.

Về chính sách bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từ xã vùng III khi đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Chính phủ thì sẽ chuyển lên vùng I và không được hưởng các chế độ chính sách, nhất là chính sách về bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, trên thực tế đối với các tỉnh miền núi, trong đó bao gồm cả tỉnh Lạng Sơn các xã vùng III cơ bản là các xã có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên rất khó khăn, mặc dù đã đạt các tiêu chuẩn về nông thôn mới nhưng vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên không thay đổi, người dân vẫn là dân tộc thiểu số, mức sống có tăng nhưng không ổn định do chủ yếu vẫn làm nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún và thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn ra nên đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, đề xuất Chính phủ có giải pháp theo hướng điều chỉnh thời gian bắt đầu thực hiện phù hợp để người dân có thêm một khoảng thời gian nhất định thích ứng với việc sẽ không còn các chế độ hỗ trợ, bên cạnh đó cũng tạo điều kiện cho chính quyền cơ sở có khoảng thời gian để tuyên truyền, vận động, tiếp tục có các biên pháp hỗ trợ cho người dân ổn định sản xuất, nâng cao mức sống để sẵn sàng lên vùng I.

Về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, Chính phủ cũng cần có giải pháp để mở rộng hệ thống đại lý thu và khuyến khích các đại lý thu tích cực, chủ động, nhiệt tình trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương có sự phối hợp chặt chẽ với Uỷ Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong việc tuyên truyền, triển khai và giám sát thực hiện chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế không chỉ về mặt phát triển đối tượng tham gia mà còn về các quy định của pháp luật nhằm đấu tranh phòng, chống tình trạng gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện.

QUỲNH LAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *