VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình tháng 11 năm 2021

Thứ Ba, 14 Tháng Mười Hai, 2021 132 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Sáng ngày 17/11/2021, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên họp nghe Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh giải trình về tình hình việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và sửa, hủy bản án do nguyên nhân chủ quan địa bàn tỉnh Lạng Sơn, năm 2020-2021. Các đồng chí Đoàn Thị Hậu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Hữu Học, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh; Ban Nội chính Tỉnh ủy, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh; Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Tràng Định; Lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và chuyên viên các phòng chuyên môn.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh báo cáo giải trình làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp trọng tâm để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và sửa, hủy bản án trong vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh giải trình làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của thẩm phán để xảy ra những vụ việc; đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu số vụ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan trong thời gian tới.

Theo báo cáo của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh, thời gian năm 2020-2021, Cơ quan điều tra trên địa bàn tỉnh đã khởi tố, thụ lý điều tra: 1.883 vụ/3551 bị can; đề nghị truy tố 1.469 vụ,/2.831 bị can. Viện kiểm sát hai cấp trên địa bàn tỉnh đã thụ lý kiểm sát điều tra: 1.883 vụ/3.551 bị can; đã truy tố: 1.469 vụ/2.831 bị can; Tòa án xét xử: 1.475 vụ/2.881 bị cáo. Tòa án nhân dân hai cấp trên địa bàn tỉnh đã thụ lý 1778 vụ/3423 bị cáo; đã giải quyết 1772 vụ/3387 bị cáo, đạt 99,7%, còn 06 vụ 36 bị cáo chưa giải quyết. Số vụ Tòa án quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung là 33 vụ /75 bị cáo (chiếm tỷ lệ 2,24% /tổng số vụ Viện Kiểm sát đã truy tố, thấp hơn chỉ tiêu của ngành 0,76%). Số vụ Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung là 35 vụ/125 bị can. Án hình sự bị hủy do nguyên nhân chủ quan là 06 vụ, chiếm tỷ lệ 0,34%; có 22 vụ bị sửa do nguyên nhân chủ quan, chiếm tỷ lệ 1,24%. Án dân sự bị hủy do nguyên nhân chủ quan là 19 vụ, chiếm tỷ lệ 0,5%; có 33 vụ bị sửa do nguyên nhân chủ quan, chiếm tỷ lệ 0,9%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các ngành đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại như: Công tác lãnh đạo chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của một số lãnh đạo đơn vị có lúc chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; việc hướng dẫn nghiệp vụ của phòng chuyên môn cấp tỉnh đối với cấp huyện có vụ việc còn lúng túng, chưa kịp thời; việc phân công nhiệm vụ cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi thực hiện nhiệm vụ có lúc, có nơi chưa phù hợp với tính chất mức độ của vụ việc và năng lực sở trường. Còn có số ít Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán năng lực chuyên môn còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, nhận thức pháp luật chưa sâu sắc, chưa chủ động nghiên cứu hồ sơ, văn bản pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ. Công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có lúc, có việc còn thiếu chủ động. Vẫn còn án hình sự, dân sự bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan…

Qua nghe báo cáo của các ngành, các đại biểu đã yêu cầu các ngành giải trình, làm rõ một số nội dung như: những vụ việc trả án hồ sơ và án hủy, án sửa  tại cấp huyện có đúng quy định, có kiểm điểm rút kinh nghiệm, giải pháp cốt lõi để hạn chế những thiếu sót; về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên; Công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh…

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận tại phiên họp giải trình

Phát biểu kết luận phiên họp giải trình, đồng chí Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh đã thống nhất với nhận định trong những năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh đã bám sát định hướng chỉ đạo của ngành cấp trên, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tăng cường phối hợp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, góp phần quan giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân. Các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh đã bám sát nội dung chương trình thực hiện phòng, chống tội phạm, chủ động sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý có hiệu quả đối với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; thực hiện đầy đủ chức năng thực hành quyền công tác và kiểm sát hoạt động tư pháp; chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để thực hiện phù hợp với các quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác giải quyết các loại vụ việc đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.

Đồng chí đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện tốt một số nội dung về quán triệt, thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trách nhiệm pháp lý của cán bộ có chức danh tư pháp trong hoạt động tố tụng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh, kinh nghiệm, giỏi chuyên môn; đánh giá, sử dụng cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn bảo đảm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ điều tra bổ sung….

Vương Huy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *