VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm

Thứ Bảy, 14 Tháng Mười Hai, 2019 116 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Thực hiện Kế hoạch số 22/KH-HĐND-VHXH ngày 15/01/2019 về giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, ngày 12/3/2019, Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh đã khảo sát 03 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố và tiến hành giám sát nội dung trên tại UBND thành phố Lạng Sơn.

Kết quả giám sát cho thấy từ năm 2016 – 2018 công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) được cấp ủy, chính quyền quan tâmtạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố. Công tác chỉ đạo, triển khai các văn bản về ATTP được triển khai đồng bộ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác quy hoạch đất đai, hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quan tâm. Công tác quản lý ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, trong xuất khẩu, nhập khẩu cơ bản tuân thủ đúng quy trình quy định. Trên địa bàn thành phố bước đầu triển khai các dự án, mô hình sản xuất rau an toàn, gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu cho một số sản phẩm rau an toàn. Công tác kiểm soát nguy cơ mất an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm được triển khai tích cực, từ năm 2016 – 2018 không có vụ ngộ độc lớn xảy ra trên địa bàn. Công tác phối hợp liên ngành trong kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP được triển khai quyết liệt, đồng bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Lạng Sơn vẫn còn những hạn chế nhất định: việc triển khai mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi còn hạn chế; việc quy hoạch vùng sản xuất ATTP gắn với thị trường tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn; một số hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, hộ kinh doanh nông lâm thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu về vệ sinh ATTP (không khám sức khỏe định kỳ, không có giấy xác nhận kiến thức về vệ sinh ATTP, hoặc sử dụng người lao động không mang, mặc trang phục bảo hộ lao động, không niêm yết giá…); trên địa bàn thành phố chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nên các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đều nằm xem kẽ trong các khu dân cư, dẫn đến việc xả thải ra môi trường chưa đạt chuẩn theo quy định… Từ năm 2016 – 2018, qua thanh tra, kiểm tra 3.050 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã phát hiện 841 cơ sở vi phạm, trong đó có 458 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt trên 500 triệu đồng.

Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh đã ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của địa phương trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về ATTP trên địa bàntiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cần nghiên cứu tìm các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATTP, tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ATTP vì sức khỏe cộng đồng trên địa bàn.

                                                                    

Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *