VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Hiệu quả hoạt động của Ban HĐND góp phần nâng cao chất lượng cơ quan dân cử tại địa phương

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 99 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Nhằm góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về “Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân…” (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI); căn cứ chủ đề xuyên suốt của Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ VII (nhiệm kỳ 2011-2016) tổ chức tại tỉnh Hòa Bình trong ngày 17/9/2014, Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã tham gia Hội nghị và có bài tham luận “Hiệu quả hoạt động của Ban HĐND góp phần nâng cao chất lượng  cơ quan dân cử tại địa phương”. Chúng tôi trân trọng xin giới thiệu nội dung bài tham luận như sau:  

    Theo quy định của pháp luật, hoạt động các Ban của HĐND bao gồm những nội dung căn bản, chủ yếu sau: tham gia chuẩn bị các kỳ họp của HĐND; thẩm tra các báo cáo, đề án do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công; giúp HĐND giám sát hoạt động của UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp; giúp HĐND giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trong việc thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND cùng cấp. Do đó, để nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban HĐND thì cần phải tập trung nâng cao chất lượng từng hoạt động cụ thể mà pháp luật đã quy định, đặc biệt là hoạt động thẩm tra và giám sát.

    Nhiệm kỳ 2011 – 2016, HĐND tỉnh Lạng Sơn có 4 ban: Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hóa-Xã hội, Ban Pháp chế, Ban Dân tộc. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các Ban HĐND tỉnh đã ban hành Quy chế hoạt động của từng Ban, trong đó quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức, hoạt động và phân công trách nhiệm thành viên các Ban; hoạt động giám sát, hoạt động thẩm tra và mối quan hệ công tác của các Ban HĐND tỉnh. Trên cơ sở Quy chế hoạt động của các Ban HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay hoạt động các Ban của HĐND tỉnh Lạng Sơn đi vào nề nếp, có nhiều đổi mới và chất lượng ngày càng được nâng lên.

    Thứ nhất, về hoạt động thẩm tra

    Thẩm tra là hoạt động đặc thù duy nhất mà pháp luật quy định cho Ban của HĐND, đảm bảo tính pháp chế trong hoạt động của HĐND. Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định các Ban của HĐND có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công; Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban HĐND trong công tác thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án thuộc các lĩnh vực đối với từng Ban khi được Thường trực HĐND phân công.

    Thẩm tra của các Ban HĐND bao gồm hai hoạt động chủ yếu:

– Thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND nhằm đánh giá kết quả đạt được so với chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ đề ra; phân tích làm rõ những nguyên nhân hạn chế, yếu kém, đề ra giải pháp phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ.

– Thẩm tra dự thảo nghị quyết, đề án sẽ được thông qua để HĐND thực hiện chức năng quyết định. Hoạt động này nhằm làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, điều kiện và sự cần thiết của nghị quyết, đề án… nhằm cung cấp thêm thông tin để đại biểu HĐND có thêm cơ sở quan trọng để quyết định hay không quyết định.

    Để hoạt động thẩm tra có hiệu quả các Ban HĐND đã chủ động trong công tác chuẩn bị theo những nội dung chủ yếu sau:

– Tiến hành khảo sát tình hình của địa phương, xây dựng báo cáo khảo sát đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ của cơ sở và ngành về những mặt được, chưa được; phân tích rõ nguyên nhân, hạn chế, dự báo việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ; tập hợp đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của cơ sở, của ngành.

– Phân công từng thành viên các Ban HĐND nghiên cứu các báo cáo tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, năm, các báo cáo chuyên đề và năm trước để làm rõ tình hình thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ đề ra so với cùng kỳ của năm trước, so với chỉ tiêu phấn đấu mà nghị quyết HĐND, nghị quyết cấp Ủy đề ra. Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề nổi cộm, những khó khăn vướng mắc trong thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ, khẳng định những kết quả có thể đạt được và vượt, những chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ có thể không đạt. Từ đó, xác định các vấn đề cần đi sâu thẩm tra, xem xét trong các phiên họp thẩm tra tới; dự kiến, đề xuất những giải pháp để thúc đẩy thực hiện thành công những chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ trong thời gian tới.

– Từng thành viên các Ban HĐND nghiên cứu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của cơ sở, của ngành, đối chiếu kế hoạch chung của cả tỉnh để nắm chắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho hoạt động thẩm tra.

– Từng thành viên của Ban khi tiếp xúc cử tri đã tích cực, chủ động khơi gợi, tiếp thu những ý kiến đóng góp của cử tri về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, những đề xuất kiến nghị của cử tri.

    Sau khi hoàn thiện công tác chuẩn bị, Ban HĐND tiến hành các phiên họp  thẩm tra nhằm thảo luận đề xuất, kiến nghị về về từng nội dung cụ thể; thống nhất đề cương báo cáo thẩm tra. Sau các phiên họp thẩm tra, Ban HĐND tiến hành xây dựng các báo cáo thẩm tra dựa trên kết quả khảo sát, tiếp xúc cử tri và kết quả các phiên họp thẩm tra. Báo cáo thẩm tra các Ban của HĐND tỉnh Lạng Sơn đảm bảo tính thống nhất quan điểm và yêu cầu đề xuất với kỳ họp; đi sâu vào những nội dung cần thẩm tra, thể hiện chính kiến của Ban trước những vấn đề đưa ra, các ý kiến phản biện đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn, có tính thuyết phục cao.

    Thứ hai, về hoạt động giám sát

    Theo quy định của pháp luật, các Ban của HĐND giúp HĐND giám sát thông qua các hoạt động sau: (1) thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết; (2) xem xét văn bản quy phạm pháp luật; (3) xem xét các báo cáo của các cơ quan hữu quan; (4) tổ chức Đoàn giám sát; (5) xem xét, xác minh về vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban; (6) tổ chức nghiên cứu, xử lý và xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong đó, tổ chức đoàn giám sát là hoạt động thường xuyên và quan trọng của các Ban HĐND.

    Căn cứ vào chương trình giám sát của HĐND và tình hình thực tế của địa phương, các Ban đã chủ động xây dựng chương trình giám sát của Ban trong đó, xác định rõ nội dung, thời gian, địa điểm, đối tượng giám sát. Từng thành viên của mỗi Ban HĐND đều được phân công rõ trách nhiệm nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật, các báo cáo, thu thập thông tin thông qua tiếp xúc cử tri, cập nhật các phương tin thông tin đại chúng về các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát. Trước khi tiến hành giám sát, Ban xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát đảm bảo chất lượng, sát với yêu cầu nội dung, đối tượng giám sát và tiến hành tổ chức họp Đoàn giám sát để bàn bạc, thống nhất nội dung giám sát, các câu hỏi, các vấn đề đặt ra đối với các đối tượng chịu sự giám sát. Sau khi giám sát xong, Ban sẽ họp Đoàn giám sát để thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát nhằm đưa ra những kiến nghị, đề xuất chính xác, phù hợp trong khả năng thực hiện của các đối tượng chịu sự giám sát và chuyển những kiến nghị vượt thẩm quyền cho cấp trên. Sau đó, Ban sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị của các đối tượng chịu sự giám sát và sẽ tái giám sát nếu thấy cần thiết. Trong hoạt động giám sát, các thành viên Ban chọn ra các vấn đề được dư luận, cử tri quan tâm, các vấn đề sai sót, trì trệ trong thực hiện, chuyển các ý kiến chất vấn đến chủ tọa kỳ họp để yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải trình, báo cáo trước kỳ họp HĐND. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, các ban HĐND tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động giám sát tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban HĐND, đại biểu HĐND. Trong quá trình hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh đã thực hiện tốt chức năng điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của các Ban HĐND đảm bảo có sự phối hợp nhịp nhàng, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động giám sát của các Ban HĐND.

    Qua kết quả hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Lạng Sơn bước đầu xin được đề xuất, kiến nghị một số vấn đề cụ thể sau:

    Để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ngày 02/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đề nghị Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau:

   1. Tuân thủ nguyên tắc Hiến định tại Điều 111, Điều 114 Hiến pháp năm 2013; đảm bảo kế thừa và hoàn thiện những quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và các văn bản luật khác có liên quan; sửa đổi căn bản những quy định không còn phù hợp trong thực tiễn hoạt động của HĐND và UBND hiện nay.

    2. Phải xác lập được cơ sở nền tảng pháp lý bảo đảm cho chính quyền địa phương các cấp hoạt động có hiệu quả, bộ máy hành chính Nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương. Phân định rõ thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phân định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác giữa HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; phân định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền giữa tập thể UBND và Chủ tịch UBND theo hướng tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu.

    3. Đảm bảo vai trò giám sát và hướng dẫn của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ, các cơ quan Nhà nước cấp trên đối với HĐND, UBND; bảo đảm sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

                                                                   Dương Xuân Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *