VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Thấy gì qua thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội ở Lạng Sơn

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 168 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 08/11/2011 của Quốc hội đã xác định một trong những định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015:“Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở, sản phẩm chủ yếu, với tầm nhìn dài hạn và có lộ trình cụ thể. Cần tập trung thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong 3 lĩnh vực quan trọng là cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước”. Như vậy tái cơ cấu nền kinh tế là một trong 3 nhóm nhiệm vụ- mục tiêu quan trọng, được ưu tiên trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, cũng là nhiệm vụ mục tiêu rất lớn và cũng rất phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và trong từng địa phương, đơn vị cơ sở.

    Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trên địa bàn, giai đoạn 2011- 2013 tỉnh Lạng Sơn đã nghiêm túc triển khai các văn bản pháp luật về thực hiện tái cơ cấu ở cả ba lĩnh vực: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

    Trong lĩnh vực đầu tư công, giai đoạn 2011- 2013 tỉnh đã huy động, phân bổ vốn đầu tư công từ NSNN và TPCP, tín dụng đầu tư của Nhà nước 4.962 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN chiếm 78,3%; vốn TPCP chiếm 11,5%; vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước chiếm 10,2%. Vốn đầu tư công chủ yếu tập trung vào hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội; thực hiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ NSNN và TPCP hàng năm đạt trên 95% kế hoạch. Tổng số dự án đầu tư trên địa bàn là 102, trong đó 27 dự án từ ngân sách Trung ương, tổng mức đầu tư 11.033 tỷ đồng; 64 dự án từ ngân sách địa phương, tổng mức đầu tư 2.016 tỷ đồng; 5 dự án từ nguồn TPCP, tổng mức đầu tư 1.853 tỷ đồng; 6 dự án từ nguồn vay tín dụng ưu đãi, tổng mức đầu tư 2.403 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư phát triển từ các nguồn vốn trên đã giúp tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng, góp phần từng bước phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Thực hiện cắt giảm, hoãn, giãn tiến độ 17 dự án do địa phương quản lý và 03 dự án giao thông do Bộ, ngành làm chủ đầu tư thực hiện tại tỉnh, bước đầu đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, đẩy nhanh tiến độ các dự án cần thiết sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng, tập trung vốn cho các dự án đang thực hiện để sớm hoàn thành, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản, góp phần thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh- xã hội. Tập trung huy động vốn và ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ các dự án hoàn thành và dự án đã quyết toán. Đầu năm 2014 đã bố trí 301,9 tỷ đồng trả nợ xây dựng cơ bản, đạt 58%, trong đó vốn NSNN đạt 43,6%, vốn TPCP đạt 80%. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ được ưu tiên cho khu vực cửa khẩu, khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn; tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, nông lâm nghiệp, giáo dục, y tế; vốn tín dụng đầu tư của nhà nước thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn…

    Thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đến nay tỉnh có 6 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, 03 doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước; 02 doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước. Sau khi thực hiện việc chuyển đổi, sắp xếp lại, một số doanh nghiệp nhà nước bước đầu đi vào ổn định, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

    Thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng thương mại (NHTM), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 05 chi nhánh NHTM nhà nước; 04 NHTM cổ phần; ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng phát triển. Giai đoạn 2011- 2013 hoạt động của các chi nhánh NHTM trên địa bàn an toàn, hiệu quả, kết quả kinh doanh cơ bản đạt chỉ tiêu, đáp ứng được công tác huy động vốn và cho vay đầu tư sản xuất kinh doanh. Thông qua việc nhận gửi và cho vay hệ thống NHTM đã hỗ trợ cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

    Tuy nhiên, việc thực hiện tái cơ cấu của tỉnh còn một số hạn chế, yếu kém nhất định. Đối với tái cơ cấu đầu tư công: khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh còn hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển lớn hơn nhiều so với nguồn lực, các nguồn vốn đầu tư còn dài trải, chưa tập trung. Việc thực hiện một số chương trình, dự án đầu tư công còn chậm so với yêu cầu. Kết cấu hạ tầng kinh tế còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là khu vực nông thôn; môi trường đầu tư còn nhiều khó khăn, bất cập, hiệu quả sử dụng một số nguồn vốn đầu tư còn thấp. Việc phân bổ vốn đầu tư của Trung ương từ nguồn ngân sách nhà nước chưa cân đối theo ngành, vùng; chủ yếu tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, ít chú trọng đến các dự án đầu tư cho an sinh xã hội; trong quá trình thực hiện chưa đủ nguồn lực đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống đối với các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, chưa có nhiều ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới…Một số văn bản chính sách, pháp luật của Trung ương về quản lý đầu tư công chậm được ban hành, điều chỉnh, bổ sung, trong khi hoạt động đầu tư chịu sự điều chỉnh của nhiều loại văn bản khác nhau (luật Xây dựng, luật Đấu thầu, luật Ngân sách, luật Đất đai, luật Bảo vệ môi trường, luật Khoáng sản).

    Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc ban hành văn bản quy định việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp chưa đầy đủ, kịp thời là những khó khăn, thách thức trong công tác chỉ đạo, thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước tại địa phương. Chính sách sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn bất cập do liên quan đến các chính sách đất đai, chính sách đối với người lao động khi thực hiện sắp xếp doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp nhà nước chưa năng động trong việc đầu tư, mở rộng sản xuất- kinh doanh, chưa phát huy được hiệu quả sử dụng vốn, tài sản, quy mô hoạt động nhỏ; khó khăn trong việc huy động vốn, tiếp cận các nguồn vốn; công nghệ, máy móc, trang thiết bị lạc hậu; nguồn nhân lực hạn chế; chất lượng sản phẩm không cao; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhỏ hẹp…

    Trong thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, việc mở rộng, tăng trưởng tín dụng còn nhiều khó khăn, do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa phục hồi, sức hấp thụ vốn yếu, doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Việc thu hồi nợ vay đối với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, hoạt động không hiệu quả gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh việc giảm đáng kể tỷ lệ nợ xấu cũ thì cũng phát sinh thêm một số khoản nợ xấu mới. Việc quản lý tài sản thế chấp của khách hàng còn gặp khó khăn; quy định trong lĩnh vực xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn bất cập, tạo ra những chi phí đáng kể đối với ngân hàng, đồng thời kéo dài thời gian thu hồi nợ, xử lý nợ xấu…

    Qua phân tích đánh giá cho thấy nguyên nhân những mặt hạn chế, yếu kém trên trước hết là do nguồn lực của tỉnh còn hạn hẹp, ngân sách của tỉnh còn khó khăn, khả năng cân đối hỗ trợ còn hạn chế; công tác dự báo, xây dựng phương án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp nhà nước chưa sát thực tiễn. Đa số doanh nghiệp thiếu chiến lược kinh doanh, năng lực cạnh tranh yếu, năng lực quản trị của lãnh đạo doanh nghiệp còn hạn chế; một số dự án chủ đầu tư không đảm bảo được nguồn vốn tự có tham gia đầu tư để giải ngân theo tỷ lệ quy định, hiệu quả kinh doanh thấp nên khó khăn trong việc trả nợ. Mặt khác về khách quan cũng cho thấy hệ thống chính sách, pháp luật về tái cơ cấu còn thiếu đồng bộ, các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành; một số luật còn có nội dung chồng chéo, không thống nhất, có điểm còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Nguồn vốn ngân sách nhà nước cân đối cho địa phương còn hạn chế, trong khi nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển các tỉnh miền núi, biên giới nói chung, trong đó có Lạng Sơn nói riêng là rất lớn đã làm ảnh hướng lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, xoá đói giảm nghèo tại địa phương. Ngoài ra việc phải tập trung thanh toán nợ xây dựng cơ bản từ những năm trước cũng ảnh hưởng lớn đến cơ cấu phân bổ nguồn lực giữa các ngành, các vùng. Tình hình suy thoái kinh tế, tín dụng thắt chặt cũng là nguyên nhân tác động đến khả năng vay vốn vào sản xuất kinh doanh của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn, một số ngân hàng không trả nợ đúng hạn hoặc không đủ điều kiện vay vốn…

    Đặc biệt, điều kiện của một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, nhiều công trình, dự án được đầu tư xây dựng lâu năm đã xuống cấp cần nâng cấp, cải tạo, nhu cầu đầu tư lớn, nhất là đối với các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhu cầu chỉnh trang, nâng cấp các hạ tầng đô thị rất lớn, trong khi các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn chủ yếu có quy mô nhỏ, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp chưa cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp…cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến kết quả tái cơ cấu nền kinh tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

    Từ kết quả đạt được và những mặt hạn chế, yếu kém trên, để việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 08/11/2011 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn đã và đang tiếp tục thực hiện các giải pháp về tái cơ cấu nền kinh tế trong từng lĩnh vực của tỉnh: tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương về tái cơ cấu trong đầu tư công; công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội; huy động các nguồn vốn cho đầu tư công, cân đối vốn đầu tư công cho các chương trình, dự án theo ngành, lĩnh vực, tập trung chỉ đạo việc giải ngân các nguồn vốn và thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành, đồng thời tăng cường thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm nâng cao chất lượng của các chương trình, dự án, trong đó đặc biệt chú trọng tiến độ và chất lượng của các công trình xây dựng cơ bản; quan tâm chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu đối với các lĩnh vực ưu tiên, thực hiện các giải pháp hiệu quả đối với các doanh nghiệp nhà nước còn yếu kém. Tuy nhiên để việc thực hiện tái cơ cấu đạt hiệu quả còn phụ thuộc bởi hệ thống các cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là việc sớm sửa đổi, bổ sung các Luật quan trọng đối với tái cơ cấu như: luật Đầu tư, luật Xây dựng, luật Ngân sách, luật Doanh nghiệp; ban hành luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh…cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội còn rất cần các chính sách hỗ trợ và các cơ chế, chính sách đặc thù để tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội nhằm thực hiện tái cơ cấu đạt hiệu quả.

                                                                              Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *