VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 302 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Kế thừa các quy định của Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH11-ĐCTUBTWMTTQVN, Nghị quyết số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-UBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội- Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được ban hành ngày 27/9/2012 (Sau đây gọi tắt là Nghị quyết 525) đã bổ sung một số quy định mới về tiếp xúc cử tri (TXCT) của đại biểu Quốc hội. Theo đó, đại biểu Quốc hội có thể TXCT ngoài tỉnh, thành phố nơi đại biểu Quốc hội ứng cử; quy định theo hướng phân chia rõ ràng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; thời hạn giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri và trách nhiệm báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đối với các cơ quan Trung ương. Ngoài ra, Nghị quyết 525 cũng bổ sung quy định về trách nhiệm giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; xác định rõ các hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; trách nhiệm phối hợp giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của MTTQ Việt Nam…

    Để đánh giá hoạt động TXCT theo tinh thần Nghị quyết 525, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đã sơ kết 01 năm việc thực hiện Nghị quyết 525 của đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh. Theo báo cáo, hoạt động TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng đi vào nề nếp; mối quan hệ giữa ĐBQH và cử tri ngày càng được củng cố, gắn bó chặt chẽ. Đại biểu Quốc hội ngày càng tăng cường vai trò trách nhiệm, cử tri ngày càng có ý thức hơn trong việc tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị xây dựng địa phương, đất nước, nhiều cử tri đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị ở tầm vĩ mô trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, qua đó đã giúp đại biểu Quốc hội có thêm nhiều thông tin, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, có thêm những kinh nghiệm quý báu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của mình. Các cơ quan trên địa bàn đã tích cực, chủ động trong việc cùng tham gia, phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 525. Hoạt động TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh có nhiều đổi mới về hình thức và nội dung. Các hình thức TXCT tiếp tục được quan tâm thực hiện, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, giữa chính quyền với nhân dân và giữa nhân dân với Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri thực hiện các quyền giám sát, quyền tham gia hoạt động quản lý nhà nước thông qua cơ quan đại diện. Thông qua chương trình TXCT, nhiều vấn đề quan trọng, chương trình nghị sự của Quốc hội đã được các vị ĐBQH tiếp thu, chọn lọc từ ý kiến, kiến nghị của cử tri góp phần hiện thực hóa chính sách, pháp luật trong đời sống thực tiễn.

Một buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn

    Thực hiện Nghị quyết 525, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức 6 cuộc TXCT định kỳ tại 48 điểm trên địa bàn tỉnh, với gần 4000 cử tri tham dự, trên 400 l­ượt ý kiến, phát biểu về nhiều vấn đề khác nhau; tổ chức 03 cuộc TXCT theo chuyên đề với trên 400 cử tri tham gia, đóng góp vào các dự án luật được trình tại các kỳ họp Quốc hội và việc thực hiện các chính sách, pháp luật về chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với nhân dân trên địa bàn tỉnh; tổ chức 03 cuộc TXCT nơi làm việc của đại biểu Quốc hội; tổ chức 01 cuộc TXCT ngoài địa bàn tỉnh, thành phố nơi ĐBQH ứng cử…Sau mỗi đợt TXCT, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Ban thường trực UBMTTQ các cấp tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng thời chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan hữu quan có thẩm quyền giải quyết ở địa phương. Qua 01 năm, đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri và thu thập, phản ánh được 150 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, trong đó có 120 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 30 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức ở địa phương. Với sự cố gắng trong việc tập hợp, chuyển, theo dõi, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã góp phần giải quyết, tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong nhân dân, đóng góp tích cực thúc đẩy và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương và Trung ương. Từ năm 2013 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được 52 văn bản trả lời của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở Trung ương đối với kiến nghị của cử tri của tỉnh. Việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn đảm bảo quy định về thời hạn, cơ bản đáp ứng về nội dung, yêu cầu mà cử tri kiến nghị và phù hợp với thực tế địa phương. Nhiều kiến nghị về cơ chế chính sách được các bộ, ngành ghi nhận và khẳng định sẽ nghiên cứu tiếp thu.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 525 còn một số hạn chế nhất định: công tác phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết 525 chưa thật sự rộng rãi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, chủ yếu mới tuyên truyền đến cán bộ cấp huyện, cán bộ cấp xã, thôn chưa đến được với nhiều cử tri. Nhiều cử tri ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế trong việc nhận thức về hoạt động TXCT nên khi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội thường kiến nghị chủ yếu là các vấn đề liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, ít đề cập đến các vấn đề lớn ở tầm vĩ mô. Đại biểu Quốc hội chưa dành nhiều thời gian cho thực hiện việc TXCT, chưa có nhiều cuộc tiếp xúc chuyên đề, nơi cư trú, nơi công tác, theo đối tượng cử tri hoặc từng đại biểu chủ động tiếp xúc theo quy định của Nghị quyết 525. Số cuộc tiếp xúc cử tri và số lượng cử tri được tiếp xúc với đại biểu chưa nhiều, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Việc cử đại diện tham gia TXCT của đại biểu Quốc hội của các cơ quan phối hợp ở một số cơ sở chưa được đầy đủ, thường xuyên, do vậy việc tiếp thu, giải quyết trực tiếp kiến nghị của cử tri tại các hội nghị TXCT đôi khi chưa kịp thời, chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri. Tình trạng “cử tri chuyên nghiệp” vẫn diễn ra. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được quan tâm tuy nhiên chưa thường xuyên, chưa quyết liệt nên hiệu quả công tác TXCT còn hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến vai trò của đại biểu và lòng tin của cử tri đối với đại biểu Quốc hội; việc tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn của Đoàn ĐBQH theo quy định chưa được thực hiện. Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về công tác TXCT chưa đa dạng, phong phú về hình thức và phương pháp. Nhận thức của cơ quan, tổ chức hữu quan và của cử tri về công tác TXCT còn có sự khác nhau; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri có lúc, có nơi chưa đầy đủ, kịp thời nên việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật còn hạn chế. Việc thực hiện các quy định về TXCT ở nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực và gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri của đại biểu Quốc hội còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Mặt khác, hiện nay chưa có chế tài quy định giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri của Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội nên chưa tạo được cơ chế thúc đẩy trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

    Từ kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế, để việc thực hiện Nghị quyết 525 đạt hiệu quả, cần quan tâm chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến Nghị quyết 525, trong đó tập trung vào những quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Nghị quyết nhằm làm chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò của cơ quan dân cử, ĐBQH; về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước, vai trò của MTTQ Việt Nam và các cấp chính quyền về công tác TXCT của ĐBQH; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức TXCT theo hướng đa dạng, phong phú. Đồng thời, Đoàn ĐBQH tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới hoạt động TXCT về nội dung, hình thức, quan tâm tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương; tăng cường giám sát đối với những kiến nghị đã được trả lời tạo điều kiện để nhân dân theo dõi, giám sát. Phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội về hoạt động TXCT. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với những vấn đề cử tri có ý kiến, kiến nghị thuộc phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, các cơ quan liên quan phải có sự phối hợp, bàn bạc để giải quyết, không để kéo dài, gây thêm bức xúc cho cử tri. Tăng cường sự phối hợp giữa Đoàn ĐBQH với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan trong công tác tổ chức TXCT; tổng hợp, chuyển, đôn đốc, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri của Đoàn ĐBQH; thông tin rộng rãi, kịp thời hoạt động TXCT của Đoàn ĐBQH trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *