VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Quốc hội xem xét Công ước và Nghị định thư Cape Town; thảo luận về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào SXKD và thảo luận về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 312 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Buổi chiều ngày 5/6/2014, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town); Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town); Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town).

    Đây là điều ước quốc tế được xây dựng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang, thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, nhất là các quốc gia đang phát triển. Đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên, cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vay ưu đãi của các hãng hàng không. Gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam được hưởng các ưu đãi từ quốc gia sản xuất tàu bay, các tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu, quy hoạch phát triển của ngành hàng không Việt Nam và sự phát triển kinh tế.

Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư sẽ gặp phải những khó khăn về nhân lực trong việc xét xử các tranh chấp phát sinh, cũng như việc bảo vệ các quyền lợi của các doanh nghiệp theo quy định của Công ước và Nghị định thư Cape Town (trình độ năng lực cũng như kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ thẩm phán tại Tòa án nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu khi thực thi Công ước và Nghị định thư). Khi gia nhập Công ước, Chính phủ có kiến nghị tuyên bố đối với một số nội dung của Công ước và Nghị định thư, cũng như kiến nghị về việc thực hiện Công ước và Nghị định thư. Do Công ước và Nghị định thư có một số điều khoản hoặc trái, hoặc và chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, căn cứ quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi năm 2013, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề đối với trang, thiết bị tàu bay.

Báo cáo Thẩm tra về Công ước và Nghị định thư Cape Town của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết: Ủy ban tán thành Tờ trình của Chủ tịch nước và Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town…

    Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Trong buổi làm việc có 16 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, tập trung vào những nội dung: Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư; về quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; về phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp; thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty; đầu tư vốn của doanh nghiệp ra nước ngoài; về quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp khác; về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước; mô hình tổ chức đại diện chủ sở hữu nhà nước; về giám sát hoạt động đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp…

    Nhiều đại biểu nêu rõ, thời gian qua, việc phân công, phân cấp quản lý vốn và tài sản tại các doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo, trùng lặp và không rõ phạm vi, dẫn đến khó xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm, quy định các hành vi bị cấm, xử lý vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước còn thiếu và không đồng bộ. Vì vậy, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước nói chung cũng như hoạt động giám sát của Nhà nước đối với việc sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, một số đại biểu khác đề nghị, dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể về doanh nghiệp nhà nước, không thể đồng nhất doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ và doanh nghiệp hỗn hợp, nhất là, cần xác định đúng vai trò đại diện chủ sở hữu của Nhà nước ở đây là người làm thuê hay làm chủ. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư tiền vốn của Nhà nước cần được quy định cụ thể hơn để khi xảy ra lỗ, thất thoát thì phải có cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm. Dự thảo Luật cần làm rõ trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư và quyền của đại diện chủ sở hữu, đồng thời xác định cụ thể việc bồi thường khi ra quyết định đầu tư sai…

    Một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật còn quy định chung chung, chưa cụ thể, chưa rõ về các lĩnh vực được phép đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa ra những quy định chặt chẽ hơn, tránh hiện tượng hợp thức hóa, lách luật để chạy đua đầu tư. Ngoài ra, cần làm rõ khái niệm, tiêu chí để có thể khẳng định như thế nào là một doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả tốt. Một số quy định về huy động vốn, về người đại diện phần góp vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp khác trong dự thảo Luật còn lỏng lẻo, cần được rà soát kỹ và chặt chẽ hơn.

Phát biểu ý kiến vào nội dung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước có vai trò hết sức quan trọng, góp phần làm lành mạnh hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào các doanh nghiệp. Việc ban hành luật nhằm đồng bộ với các luật khác đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Đầu tư, Luật Ngân sách (sửa đổi).

   Về phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu tán thành việc thiết kế của dự thảo bảo đảm phù hợp về mặt nội dung, có sự kết nối thông suốt ở ba khâu của quá trình là đầu tư, quản lý đầu tư và giám sát đầu tư. Tại Điều 10 quy định về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư, đại biểu đồng ý với quy định 5 nhóm lĩnh vực, tuy nhiên, cần quy định cụ thể sát với tình hình thực tế (tại khoản a quy định cho các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích, như vậy phần nào sẽ trái với chủ trương xã hội hóa các loại hình dịch vụ công theo định hướng xây dựng một nền hành chính mới), cần giới hạn việc thành lập doanh nghiệp nhà nước đối với những loại hình mà các thành phần kinh tế khác không làm hoặc ít làm hoặc ở các khu vực địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn mà chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới đảm nhiệm được. Do vậy khoản a được sửa lại là doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội mà các thành phần kinh tế khác ít tham gia hoặc cho địa bàn vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đối với khoản c quy định doanh nghiệp thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước đại biểu đề nghị quy định danh mục cụ thể, vì đây là những lĩnh vực đã được xác định tương đối rõ ràng theo các chủ trương hiện nay để tránh tình trạng độc quyền tràn lan và hạn chế đến mức tối đa những lĩnh vực độc quyền của nhà nước. Tại khoản d cần được chỉ rõ những lĩnh vực ưu tiên cho phát triển hiện nay như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano hay năng lượng mới là những lĩnh vực đã được xác định rất rõ. Đối  với khoản đ đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “trong từng thời kỳ” mà vẫn bảo đảm nội hàm cần diễn đạt, đó là: doanh nghiệp nhà nước thuộc những ngành, lĩnh vực phục vụ cho việc ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tại Điều 13 quy định phạm vi đầu tư, bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đã hoạt động khoản 2, đề nghị giới hạn là các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích như đã nêu ở trên nằm trong phạm vi điều chỉnh.

    Tại Điều 19, khoản 2 quy định phạm vi đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, đại biểu đề nghị bổ sung và nhấn mạnh yêu cầu việc đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác phải bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội và phù hợp với chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

    Đại biểu cũng cho rằng về tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với quản lý doanh nghiệp quy định tại Điều 32, điểm c cần quy định một cách chặt chẽ hơn về chế độ lương, thưởng của các nhóm đối tượng là người quản lý; đề nghị điều chỉnh điểm c là: tiền lương đối với người quản lý doanh nghiệp được xác định gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh, kết quả quản lý, điều hành doanh nghiệp 2 năm liên tiếp. Bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương của người lao động tại doanh nghiệp và mặt bằng quỹ tiền lương chung./.

    Buổi chiều ngày 06/6/2014, các vị  đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận tại tổ về: dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town.

    Về Dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13: các đại biểu tán thành đối tượng lấy phiếu quy định tại Nghị quyết là phù hợp. Về phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm: nên giữ nguyên các đối tượng do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu. Về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, đa số đại biểu đề nghị việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nên triển khai 02 lần trong một nhiệm kỳ, từ cuối năm thứ hai và cuối năm thứ tư; về mức tín nhiệm đa số đại biểu đề nghị việc bỏ phiếu nên lấy 02 mức: tín nhiệm và tín nhiệm thấp; có đại biểu đề nghị 03 mức: tín nhiệm, tín nhiệm thấp, đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm hoặc 03 mức: tín nhiệm, tín nhiệm thấp, không tín nhiệm.

    Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH Lạng Sơn) cho rằng, việc sửa đổi Nghị quyết số 35 là rất cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, quy trình, thủ tục lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị; về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm, nên lấy phiếu 02 lần/nhiệm kỳ. Về mức độ đánh giá nên để 2 mức: tín nhiệm và tín nhiệm thấp…

    Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với quy định bỏ quy định về thời hạn đăng ký quốc tịch với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Có đại biểu bày tỏ đồng tình với nội dung sửa đổi tại khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 theo hướng bỏ thời hạn đăng ký giữ quốc tịch trước ngày 01/7/2014 với người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 01/7/2009. Có đại biểu phản ánh, hiện nay chỉ có 6.000 người trong tổng số 4,5 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Như vậy, tới thời điểm ngày 01/7/2014, có thể có hàng triệu kiều bào mất quốc tịch. Đây là vấn đề cấp bách nên đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 theo hướng bỏ cả thời hạn và quy định giữ đăng ký quốc tịch.

    Đại biểu khác nhấn mạnh, bà con người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về quê hương, sẵn sàng tạo mọi điều kiện giúp đỡ, ủng hộ, xây dựng đất nước. Trong điều kiện thực tiễn hiện nay, để phù hợp với tình hình của đất nước, cần sự chung tay của đồng bào Việt Nam trên khắp thế giới, do đó nên tạo thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

    Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH Lạng Sơn) cho rằng công tác tuyên truyền về Luật cần được thực hiện tốt hơn, nhất là đối với các Đại sứ quán, các tổ chức tại nước ngoài; về thủ tục đăng ký quốc tịch cũng nên cân nhắc các hình thức phù hợp (kể cả đăng ký qua mạng); về các chế độ, quyền lợi kinh tế liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài cần được bảo đảm nhằm gắn kết quyền lợi của người Việt Nam ở nước ngoài và trong nước.

     Về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và  Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town), các đại biểu Quốc hội cho rằng điều đó có lợi cho người tiêu dùng, giảm chi phí kinh doanh và tạo điều kiện cho hệ thống pháp luật của Việt Nam tiếp cận với pháp luật kinh doanh thương mại quốc tế. Các vị đại biểu cũng tán thành việc gia nhập Công ước và Nghị định thư này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê trang thiết bị tàu bay, qua đó mang lại lợi ích kinh tế cho các hãng hàng không của Việt Nam như được hưởng ưu đãi về lãi suất, miễn tiền đặt cọc khi mua sắm tàu bay; giảm nguy cơ cho chủ nợ và tăng khả năng dự báo pháp lý trong các giao dịch…

                                                      Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *