Ngày 7/6/2014, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005- 2012. Theo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2005-2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011-2015). Ở các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% năm 2006 xuống 28,8% năm 2010. Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành với báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng: đó là kết quả tác động toàn diện của quá trình tăng trưởng kinh tế, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cũng như những chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách trực tiếp đối với mục tiêu giảm nghèo. Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn bộc lộ những mặt chưa đạt như mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỷ lệ nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng chưa có giải pháp khắc phục. Tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế…
Tại hội trường đã có 34 vị đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận về nội dung trên. Ý kiến của các vị đại biểu cơ bản tán thành việc lựa chọn nội dung, phạm vi vấn đề giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo; khẳng định việc thực hiện chính sách giảm nghèo đã được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, góp phần minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội để thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc, giữa các tầng lớp nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Thông qua giám sát, các vị đại biểu Quốc hội đều cho rằng việc xây dựng chính sách pháp luật từng bước được hoàn thiện và tổ chức thực hiện đạt kết quả quan trọng; công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật trong lĩnh vực giảm nghèo đã góp phần tạo được sự đồng thuận và sự nhất trí cao của nhân dân, được nhân dân tích cực hưởng ứng. Các vị đại biểu Quốc hội cũng nhất trí với báo cáo là tỷ lệ giảm hộ nghèo của nước ta đã đạt và vượt chỉ tiêu, kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là bộ phận dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, các vị đại biểu cũng cho rằng Báo cáo cần tiếp thu và phân tích sâu hơn những mặt còn tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực này: mức sống của hộ nghèo, các hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch giàu, nghèo có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn cao, khu vực đô thị vẫn còn một bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp, số người di cư, người phải chịu rủi ro vì biến đổi khí hậu, vì thiên tai gia tăng; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, việc lồng ghép chính sách và cân đối nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quản lý và điều phối thực hiện chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, có lúc thiếu thống nhất, có lĩnh vực bị buông lỏng hoặc thiếu kiểm tra, giám sát, một số chính sách xã hội còn chậm đổi mới so với chính sách kinh tế…Các vị đại biểu Quốc hội nhất trí Quốc hội cần ban hành nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững từ năm 2015 đến năm 2020.
Đại biểu Nông Thị Lâm-Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nông Thị Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho rằng trong thời gian qua, các chính sách đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng: 100 % xã có trạm y tế, có trường tiểu học và trung học cơ sở, 70% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, 97% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã…, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện còn bộc lộ một số bất cập cả về cơ chế chính sách, về bố trí và huy động nguồn lực, về tổ chức thực hiện. Chính sách giảm nghèo liên quan đến nhiều lĩnh vực xã hội, được thể hiện ở nhiều văn bản khác nhau, khó theo dõi áp dụng, văn bản còn chồng chéo, trùng lắp, một số chính sách còn mang tính cào bằng, mức hỗ trợ thấp, phần lớn chính sách do nhiều cơ quan thực hiện nhưng thiếu sự phối hợp đã làm giảm hiệu quả của chính sách và lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Kết quả giảm nghèo tuy đạt được mục tiêu đề ra nhưng chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, phát sinh hộ nghèo còn cao; mức thu nhập bình quân của các hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước; tư tưởng trông chờ ỷ lại không muốn thoát nghèo còn diễn ra ở một số địa phương và một bộ phận người nghèo, việc bình xét hộ nghèo chưa chính xác, nguyên nhân do có quá nhiều chính sách giảm nghèo hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo dẫn đến tình trạng người dân ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, không muốn vươn lên thoát nghèo…
Trước thực trạng trên, để công tác giảm nghèo trong thời gian tới đạt được kết quả cao hơn, đại biểu Nông Thị Lâm kiến nghị việc xây dựng các cơ chế chính sách giảm nghèo bền vững cần đảm bảo sự thống nhất, có sự lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới. Để nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện các chương trình tránh trùng lắp về nội dung hoạt động, tinh gọn đầu mối quản lý, cần phân công cho một cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm giữ vai trò đầu mối chủ trì, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; nghiên cứu xây dựng cơ chế lồng ghép và hướng dẫn các địa phương thực hiện có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn cho mục tiêu giảm nghèo; phân loại nhóm đối tượng nghèo để có các chính sách cụ thể theo hướng có lộ trình. Để giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với một số nhóm cụ thể, nên tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo. Việc ban hành các chính sách giảm nghèo cần theo hướng mở rộng đối với các đối tượng là hộ mới thoát nghèo, các chính sách cần thiết kế theo nguyên tắc ưu tiên đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ nghèo sau mới đến các hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo…
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên tập trung nguồn lực cho những vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, chương trình định canh, định cư và ổn định dân di cư tự do. Hiện nay với hơn 20 nghìn hộ dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng miền núi phía bắc, vấn đề ổn định dân cư là một yêu cầu bức thiết cần tập trung nguồn lực để ổn định sắp xếp, bố trí lại dân cư cho đồng bào du canh, du cư, di cư tự do, di dân ra biên giới, dân cư ở các vùng sạt lở, nguy hiểm, lũ ống, lũ quét. Cần tiếp cận giải quyết chính sách theo các nhóm đối tượng ưu tiên định canh, định cư xen ghép theo hộ và các nhóm hộ gia đình. Có chính sách hỗ trợ đối với các nhóm di cư tự do, tăng định mức chính sách đầu tư hạ tầng, nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng biên giới để nhân dân yên tâm sản xuất, bám đất, bám làng, cùng với các lực lượng để bảo vệ đường biên mốc giới. Tiếp tục quan tâm xây dựng chính sách cho đồng bào miền núi, biên giới, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, đường tuần tra biên giới tạo điều kiện cho lực lượng biên phòng, dân quân tự vệ ở các xã giáp biên hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia… nhằm thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững./.
Hoàng Thị Kim Vân
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Kỳ họp thứ ba mươi của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV năm 2024
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Lộc Bình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Hữu Lũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về một số luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch và đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước
Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025