VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)

Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai, 2017 121 lượt xem Chia sẻ bài viết:

 Sáng ngày 27/3/2015, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Bà Trần Thị Hoa Sinh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và một số sở ngành, đoàn thể liên quan.

Đồng chí Trần Thị Hoa Sinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh

phát biểu khai mạc hội nghị (ảnh: Quốc Khánh)

    Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam được Quốc hội ban hành lần đầu tiên vào năm 1999. Qua gần 15 năm thực hiện, có những vấn đề mới liên quan đến công tác mặt trận phát sinh, nên Luật cần được sửa đổi. Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) đã qua nhiều lần lấy ý kiến, dự thảo lần này bao gồm 8 chương, 41 điều. Ngoài phần các quy định chung về vị trí, vai trò, bộ máy tổ chức của MTTQ, còn có phần bổ sung chi tiết quy định về phản biện xã hội, một chức năng mới được đưa thành chương riêng bổ sung vào Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi).

    Góp ý dự thảo Luật, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật như: quy định về hệ thống tổ chức của MTTQ được tổ chức thành hệ thống theo các cấp hành chính gồm 4 cấp hành chính là Trung ương, tỉnh, huyện, xã; quy định trong Luật về Ban Công tác Mặt trận do hiện nay Ban Công tác Mặt trận đã được tổ chức rộng khắp và hoạt động ở các địa phương, tuy nhiên đề nghị không quy định Ban Công tác Mặt trận thôn vào trong Luật để không trái với nguyên tắc tổ chức MTTQ Việt Nam theo đơn vị hành chính. Các đại biểu cũng đề nghị Luật cần làm rõ hơn chức năng của mặt trận là một thiết chế độc lập, đại diện cho nhân dân để giám sát các cơ quan, đoàn thể thuộc hệ thống chính trị; giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa MTTQ với tổ chức Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội nhưng là thành viên MTTQ; đề nghị bổ sung 01 điều quy định mối quan hệ giữa MTTQ với các tổ chức chính trị- xã hội; làm rõ hơn về hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ nhằm tăng tính khả thi, tránh trùng lặp vì hiện tại thẩm quyền giám sát, đại diện cho nhân dân được quy định cho rất nhiều cơ quan, đơn vị…

    Bà Trần Thị Hoa Sinh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu các ý kiến phát biểu hợp lý, xác đáng của đại biểu tại hội nghị. Trên cơ sở đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý vào Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, hoàn chỉnh dự thảo Luật, trình Quốc hội thông qua.

                                                                             Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *