VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 176 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Trong tháng 4/2013, thực hiện Nghị quyết số 551/NQ-UBTVQH13 ngày 26/12/2012 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009-2012, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức giám sát đối với UBND tỉnh Lạng Sơn, Bảo hiểm xã hội tỉnh, sở Y tế và khảo sát tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh. Kết quả giám sát cho thấy Luật Bảo hiểm y tế đã tạo nên những thay đổi quan trọng không chỉ về cơ chế, chính sách tài chính y tế mà còn tác động đến nhiều mặt của hoạt động khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân và khẳng định quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong tiến trình đổi mới cơ chế tài chính y tế thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) với mục tiêu BHYT toàn dân, xây dựng nền y tế Việt Nam theo định hướng công bằng và phát triển đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BHYT tiếp tục được hoàn thiện, góp phần đảm bảo thực hiện tốt quyền và lợi ích của nhân dân khi tham gia BHYT.

       Giai đoạn 2009- 2012 tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo lãnh đạo trong tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT trên địa bàn tỉnh, công tác tuyên truyền phổ biến Luật và các văn bản quy định về BHYT đã tạo bước chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, tạo được sự đồng thuận trong xã hội; việc mở rộng phạm vi tham gia BHYT đạt kết quả cao, có khoảng 90% dân số trên địa bàn tỉnh đã tham gia BHYT, việc thu BHYT đạt và vượt kế hoạch giao, góp phần vào ổn định quỹ BHYT. Nhận thức của nhân dân về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia BHYT được nâng cao thể hiện qua tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày càng tăng.

         Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: một số văn bản, hướng dẫn thực hiện Luật BHYT ban hành chưa kịp thời, đồng bộ, việc phối hợp chỉ đạo triển khai giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam về thực hiện Luật BHYT nhiều điểm chưa thống nhất nên quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, nội dung một số văn bản hướng dẫn thực hiện Luật chưa phù hợp với thực tiễn. Việc sử dụng 60% số kết dư từ quỹ BHYT để mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ để phục vụ KCB tại địa phương theo quy định tại Nghị định số 62/2009/NĐ-CP đến nay chưa được thực hiện. Công tác quản lý và sử dụng quỹ BHYT đã bộc lộ một số bất cập như: quyền lợi BHYT được mở rộng, các dịch vụ y tế, kỹ thuật cao, các loại thuốc mới, thanh toán theo phí dịch vụ, khó kiểm soát chi phí… đã làm tăng chi quỹ BHYT. Hệ thống KCB chưa đáp ứng được nhu cầu cao về chất lượng; công tác đấu thầu thuốc tập trung còn nhiều bất cập trong thẩm định giá, chờ kết quả phê duyệt; việc thực hiện hợp đồng cung ứng thuốc chưa nghiêm túc đã xảy ra hiện tượng thiếu thuốc ở nhiều cơ sở KCB BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi người KCB BHYT. Biểu giá viện phí mới ban hành chưa thực sự hoàn chỉnh, chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng KCB. Việc lập danh sách cấp thẻ cho đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số còn chậm, có nhiều sai sót làm chậm tiến độ cấp thẻ BHYT, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Các thủ tục hành chính, hệ thống biểu mẫu tổng hợp còn nhiều, phức tạp, không ổn định trong khi phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin còn thiếu và chưa đồng bộ gây khó khăn cho việc thống kê, tổng hợp chi phí KCB BHYT và làm ảnh hưởng đến tiến độ thanh quyết toán. Việc phát triển đối tượng tham gia BHYT tự nguyện còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước còn có tình trạng trốn đóng BHYT cho người lao động. Nhóm đối tượng hộ cận nghèo tham gia BHYT còn rất thấp; tình trạng cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng còn xảy ra, nhất là đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số…

Thanh toán viện phí có BHYT tại bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn

        Nguyên nhân của mặt tồn tại, hạn chế trên là do một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa nhận thức rõ tác động chính trị xã hội của chính sách pháp luật BHYT dẫn tới việc chỉ đạo chưa sâu sát, quyết liệt trong tuyên truyền vận động nhân dân hiểu và thực hiện đúng chính sách pháp luật BHYT; công tác phối hợp thực hiện giữa các cơ quan có trách nhiệm chưa chặt chẽ; việc lập danh sách đề nghị cấp thẻ từ cơ sở xã, phường còn chậm, nhiều sai sót về các thông tin của người được cấp thẻ, chưa có sự rà soát, đối chiếu chặt chẽ với các trường hợp thuộc các đối tượng khác đã được cấp thẻ (thân nhân sỹ quan, cựu chiến binh); một bộ phận nhân dân còn mang nặng tính bao cấp, ỷ lại vào nhà nước, coi BHYT là một quyền lợi cần khai thác triệt để mà chưa nhận thức được nghĩa vụ khi tham gia BHYT. Mặt khác hệ thống văn bản về Luật BHYT chưa được đồng bộ, chưa hoàn thiện, một số văn bản trong quá trình thực hiện đã bộc lộ các nội dung khó khả thi, chậm sửa đổi, bổ sung gây khó khăn trong tổ chức thực hiện đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT. Hệ thống KCB chậm được đầu tư, củng cố để nâng cao chất lượng, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở không được đầu tư cơ bản, trang thiết bị lạc hậu, công tác đào tạo đội ngũ cán bộ chưa được quan tâm thường xuyên…

        Từ thực tế trên, để việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT của tỉnh đạt hiệu quả, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật BHYT mở rộng đối tượng tham gia BHYT; phân cấp rõ ràng chức năng nhiệm vụ của từng Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện phát triển quản lý quỹ BHYT tránh chồng chéo; nâng cao chất lượng KCB đáp ứng nhu cầu của nhân dân nhất là tuyến cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, do điều kiện về cơ sở vật chất thiết bị, chuyên môn còn hạn chế; quy định cụ thể về đấu thầu thanh toán thuốc BHYT để thống nhất quản lý. Sớm có hướng dẫn thực hiện điều hành quỹ kết dư BHYT theo quy định, thực hiện để lại 60% nguồn kinh phí kết dư từ quỹ BHYT để địa phương sử dụng mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị y tế, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ…để phục vụ công tác KCB BHYT tại địa phương, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT; xem xét và bổ sung đối tượng là người dân tộc Kinh lên định cư lâu năm, hiện đang sinh sống tại các khu vực theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ mua thẻ BHYT…

        Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng kiến nghị tỉnh Lạng Sơn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT trong đó tập trung vào các nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp; đổi mới nội dung tuyên truyền với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng KCB BHYT và các dịch vụ bảo hiểm y tế; có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác KCB, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, tăng cường xã hội hóa y tế, đa dạng các loại hình KCB, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ KCB. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giám định viên tại các cơ sở y tế; tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật BHYT để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHYT và thúc đẩy thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh; rà soát, bổ sung các văn bản của tỉnh về việc cấp thẻ và quy trình cấp thẻ đảm bảo kịp thời đúng quy định, đúng đối tượng khắc phục tình trạng trùng thẻ, sai sót, nhầm lẫn, cấp thẻ chậm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, có giải pháp cụ thể để xử lý nợ đọng, chậm đóng BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT./.

 

Hoàng Thị Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *