VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại UBND tỉnh

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 151 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Thực hiện kế hoạch giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ngày 17/01/2014, Đoàn giám sát do bà Trần Thị Hoa Sinh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng đoàn đã giám sát tại Ủy ban nhân dân tỉnh về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012” trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo đánh giá kết quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, các chính sách, dự án giảm nghèo được tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, kịp thời như: hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ về giáo dục- đào tạo, y tế; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù… Nhờ đó các chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 29, 07% năm 2005 xuống còn 15, 4% năm 2010; trong 02 năm 2011-2012 toàn tỉnh đã giảm được 15.441 hộ nghèo, đến cuối năm 2012, toàn tỉnh còn 38.418 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 21,02%; số hộ cận nghèo 16.222 hộ, chiếm tỷ lệ 8,87%.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại Ủy ban nhân dân tỉnh

Tại buổi làm việc, có nhiều ý kiến về tính hiệu quả của các cơ chế, chính sách về giảm nghèo, quy trình bình xét hộ nghèo, phân loại hộ nghèo, công tác phối hợp của các ban ngành chức năng trong thực hiện giảm nghèo…, Các ý kiến cho rằng nguyên nhân của đói nghèo là do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, diện tích đất trồng trọt ít và khó canh tác…, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí hạn chế, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phát triển kinh tế chưa đồng bộ; thiếu đất, thiếu nước sản xuất. Mặt khác nguyên nhân nghèo còn do trình độ nhận thức, tính trông chờ ỷ lại của bản thân người nghèo còn cao; nhiều chính sách chồng chéo khó thực hiện, dẫn đến hiệu quả giảm nghèo còn thiếu tính bền vững…

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong giai đoạn tiếp theo, các ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khi tham mưu xây dựng ban hành các chính sách giảm nghèo cần khảo sát thực tiễn, dự báo được các yếu tố tác động để có các giải pháp đảm bảo tính khả thi của chính sách; nghiên cứu có cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng để tập trung nguồn lực giảm nghèo. Đồng thời đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tích hợp các chính sách hỗ trợ; hạn chế và chuyển dần phương thức hỗ trợ trực tiếp theo từng lĩnh vực đơn lẻ sang hỗ trợ có điều kiện, khắc phục tình trạng chồng chéo và kém hiệu quả như hiện nay; xem xét xác định tiêu chí bình xét hộ nghèo sát thực, đảm bảo tính công bằng, minh bạch…

Kết luận buổi làm việc, bà Trần Thị Hoa Sinh, Trưởng đoàn giám sát đã đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong công tác triển khai, thực hiện các chính sách pháp luật về giảm nghèo của tỉnh, đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác giảm nghèo, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nghèo phù hợp với tỉnh, tập trung huy động toàn xã hội tham gia vào công tác giảm nghèo, đặc biệt lưu tâm thực hiện chính sách tạo sinh kế cho người nghèo… nhằm góp phần quan trọng vào ổn định chính trị – trật tự xã hội, tạo thuận lợi cho phát triển của tỉnh. Trên cơ sở các ý kiến tại buổi làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp và trình Quốc hội để xem xét, bổ sung, chỉnh sửa chính sách cho phù hợp.

Kim Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *