VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở Tổ tại kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khoá XIII

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 203 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khoá XIII, Ngày 23/3/2016 Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã thảo luận ở Tổ cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ngãi, Tuyên Quang và Đồng Tháp về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Thế Tuy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chủ trì thảo luận

   Các đại biểu cho rằng các cơ quan đã có  nhiều cố gắng chuẩn bị báo cáo công phu, toàn diện; tuy nhiên các đại biểu cũng chỉ ra các báo cáo cần đề cập nhiều hơn nữa những vấn đề cần rút kinh nghiệm và những thiếu sót để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới thực hiện tốt hơn. Cần quyết liệt trong việc xây dựng pháp luật để thực hiện Hiến pháp 2013, vẫn còn tình trạng chuẩn bị không chu đáo xin rút khỏi chương trình xây dựng pháp luật; chưa chủ động thực hiện các biện pháp chiến lược ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, tình hình thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, tình hình an ninh trật tự ở các thành phố lớn còn nhiều phức tạp, tính thượng tôn pháp luật có lúc có nơi còn bị xem nhẹ.

   Về công tác đối ngoại, chúng ta đã ký nhiều hiệp định đối tác chiến lược với nhiều nước nhưng chậm triển khai thực hiện và thiếu chiều sâu. Các đại biểu cũng lo ngại khi chúng ta đã hội nhập quốc tế rất sâu nhưng chưa chuẩn bị kỹ tâm thế và các điều kiện mọi mặt thì sẽ là những thách thức rất lớn như về sản xuất nông nghiệp, có đại biểu đã ví von sức nóng của TPP đã “phả vào gáy doanh nghiệp” nếu không chuẩn bị tốt sẽ rất khó khăn trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

   Các báo cáo chưa đề cập sâu đến các thách thức của tiến trình hội nhập quốc tế, cần có các biện pháp tuyên truyền, nhận diện các thách thức cho doanh nghiệp và người dân, không nên tuyên truyền quá nhiều về các cơ hội mà phải khắc sâu hơn về các thách thức sẽ phải đối mặt. Hội nhập phải tuân thủ chặt chẽ với các quy định chung của thế giới thì mới tồn tại. Ví dụ như việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chất bảo quản, bao bì, nhãn mác, xuất xứ hàng hoá…

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành phát biểu thảo luận tại Tổ

   Thách thức biến đối khí hậu cũng rất lớn và tác hại khôn lường đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, cần có lộ trình ứng phó và thích nghi. Một vấn đề cũng được các đại biểu rất quan tâm là nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định ( 50,3% GDP so với quy định là không quá 50%) sử dụng vốn vay ODA ở một số dự án chưa hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm, còn thất thoát, lãng phí.

   Đồng chí Nguyễn Thế Tuy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng công tác đối ngoại của ta năm qua đạt nhiều thành tựu nhưng vẫn còn bị động do chưa có chiến lược thực hiện một cách căn cơ. Phát triển kinh tế cũng chưa có chiến lược, tầm nhìn xa, không tránh khỏi lúng túng như xuất khẩu hàng nông sản thiếu quy hoạch và phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và giữa Trung ương với địa phương, còn xảy ra hiện tượng ùn tắc, không xuất khẩu được, bị ép cấp, ép giá, thiệt hại cho người nông dân.

   Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội lo lắng về văn hoá nói chung và tình trạng một số lễ hội hiện nay có sự không bình thường, lệch chuẩn mực do đó cần có chiến lược lâu dài đầu tư cho lĩnh vực văn hoá, về giáo dục đào tạo cũng còn nhiều vấn đề bất cập như thi cử phức tạp, tốn kém, chương trình sách giáo khoa, chương trình đào tạo nghề…có lúc còn gây những hệ lụy không tốt cho đời sống người dân, ảnh hưởng chất lượng lao động và mục tiêu nâng cao dân trí.

Nguyễn Đặng Ân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *