Sáng ngày 24/3/2016 đồng chí Nguyễn Thế Tuy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ trì thảo luận ở Tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Các đại biểu cơ bản đồng tình báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội, báo cáo đã mạnh dạn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quản lý, chỉ đạo điều hành nền kinh tế. Năm qua tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP đạt 6,68%, cao nhất kể từ 2008, kinh tế vi mô ổn định, tuy nhiên tính bền vững không cao. Quốc hội đã tăng cường giám sát, chỉ ra những yếu kém, tháo giỡ những bất cập về cơ chế chính sách pháp luật kịp thời. Ký kết các hiệp định hội nhập Quốc tế cũng là áp lực cho bộ máy nhà nước thực hiện tốt hơn kế hoạch đề ra, thay đổi cơ chế phát triển kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Thế Tuy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì thảo luận ở Tổ
Thời gian chúng ta phải đối đầu với nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn, trong nước thiên tại liên tục xảy ra nhưng GDP vẫn liên tục tăng trưởng, Chính phủ điều hành khá linh hoạt mặc dù vậy báo cáo có nhiều chỗ đánh giá chưa sát thực tế, nhất là các số liệu về các mục tiêu chủ yếu. Công tác quản lý tài nguyên còn nhiều yếu kém, không có quy hoạch chiến lược, khai thác bừa bãi. Tỷ lệ che phủ rừng khó đánh giá chính xác, một số diện tích rừng trồng mới chậm tăng trưởng, không có khả năng sinh thủy ảnh hưởng đến canh tác ở các vùng hạ lưu.
Công tác xây dựng pháp luật còn chậm chưa theo sát yêu cầu của thực tiễn, cần có các giải pháp quyết liệt, không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật. Phần đánh giá về giáo dục đào tạo và các giải pháp còn chung chung như nghị quyết, đại biểu cũng yêu cầu phải đánh giá sát thực, đề ra các giải pháp cụ thể có lộ trình, có mục tiêu rõ ràng.
Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh đề nghị cần nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình không để bị động trong mọi tình huống, chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đạt một số kết quả nhưng chưa bền vững. Chính sách đầu tư phát triển vùng chưa đồng đều, xây dựng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng mong đợi của cử tri, cần quan tâm đồng đều các vùng miền, ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc, miền núi, biên giới. Các nhóm giải pháp đưa ra còn chung chung chưa có trọng tâm, trọng điểm. Đại biểu cũng đề xuất làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và chỉ ra trách nhiệm của các cá nhân, bộ ngành như thế nào.
Đại biểu Nguyên Lâm Thành chỉ ra các chỉ tiêu bản chất nhất trong năm qua lại không đạt được như chỉ tiêu về tăng trưởng, chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động…, trong 16 chỉ tiêu đạt thì đa số là các chỉ tiêu phụ, như nhà ở lại có đến 2 chỉ tiêu. Đại biểu lo lắng về chất lượng giáo dục đào tạo và cho rằng thời gian qua giáo dục đã bị thị trường hoá quá nhiều, nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng giáo dục, việc mở trường, mở ngành, sách giáo khoa, dạy thêm học thêm…
Về kế hoạch sử dụng đất cần rà soát đánh giá lại diện tích rừng ở các vùng rừng nghèo kiệt, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đất các khu kinh tế, đất ven biển để có kế hoạch, quy hoạch sử dụng hiệu quả và cần phải có quy hoạch đất tái định cư cho những nơi thu hồi đất.
Nguyễn Đặng Ân
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Khảo sát Dự án Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn
Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát tại huyện Đình Lập
Kỳ họp thứ ba mươi của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV năm 2024
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Lộc Bình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Hữu Lũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về một số luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch và đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước