Ngày 23/5/2015 Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thảo luận tại Tổ về dự án Bộ luật tố tụng dân sự ( sửa đổi). Đồng chí Nguyễn thế Tuy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì thảo luận. Các đại biểu trong tổ đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp 2013.
Đồng chí Nguyến Thế Tuy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì thảo luận ở Tổ
Về quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh đồng tình với dự thảo là Toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Về án lệ cần phải cân nhắc thật cụ thể thì mới có thể áp dụng có hiệu quả.
Chung quan điểm này đại biểu Nguyễn Lâm Thành phân tích trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người dân đương nhiên thuộc về Nhà nước, khi thực tế cuộc sống phát sinh những vấn đề mới thì không ai khác là nhà nước phải đảm nhận trách nhiệm giải quyết. Tuy nhiên luật cần quy định rõ lộ trình để đảm bảo có tính khả thi cao, bên cạnh đó toà án phải có nguồn án lệ dồi dào để áp dụng. Có đại biểu lo ngại nếu toà án từ chối giải quyết tranh chấp thì sẽ dẫn đến các bên tự xử với nhau gây ra nhiều nguy cơ đảo lộn tiềm ẩn và phức tạp trong cuộc sống.
Tuy nhiên cũng có một số ít ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ điều này vì “việc dân sự cốt ở đôi bên” do hai bên tự thỏa thuận, định đoạt và chịu trách nhiệm. Nếu quyết định phân xử không đúng pháp luật thì trật tự luật pháp bị đảo lộn.
Về sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân đối với phiên toà, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự không nhận được nhiều sự đồng tình của các đại biểu, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhiều ý kiến cho rằng không cần có đại diện Viện kiểm sát vì còn có luật sư, có các chứng cứ công khai. Nếu Toà án chưa phân xử mà đại diện Viện kiểm sát có ý kiến thì không hợp lý đặc biệt là khi có quan điểm khác với Toà án thì sẽ gây mất niềm tin cho các bên đương sự. Kể cả khi đã phân xử hoặc các vụ việc có liên quan đến tài sản của nhà nước, công cộng hay trẻ vị thành niên thì cũng không nhất thiết phải có đại diện của viện kiểm sát.
Về công nhận kết quả hoà giải ngoài Toà án các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc về xác định giá trị pháp lý của biên bản hoà giải. Phải có thẩm phán tham gia xem xét xem biên bản có trái pháp luật, trái đạo đức hay không, để có cơ sở thực hiện. Các đại biểu cũng rất tán thành việc bổ sung quy định phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ tại phiên toà sơ thẩm nhằm công khai, khách quan, đầy đủ các chứng cứ.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị viết rõ hơn quy định người phiên dịch tại điều 75, có khả năng sử dụng dịch ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại để dễ hiểu, dễ áp dụng (điều này không được đề cập sửa trong dự thảo của Ban soạn thảo), việc này cũng nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân tộc thiểu số không biết hoặc không sử dụng thành thạo tiếng Việt.
Tại điều 22 quy định cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ cũng nên quy định chặt chẽ để tránh bị lạm dụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bị cấm xuất cảnh, chỉ cấm xuất cảnh trong trường hợp thật cần thiết và quy định rõ thẩm quyền của người được ra lệnh cấm vì có liên quan trực tiếp đến quyền nhân thân, danh dự của họ.
Nguyễn Đặng Ân
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Khảo sát Dự án Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn
Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát tại huyện Đình Lập
Kỳ họp thứ ba mươi của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình quý IV năm 2024
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Lộc Bình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Hữu Lũng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XVII
Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại hội trường về một số luật liên quan đến đầu tư, quy hoạch và đấu thầu
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước