VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Hội nghị khoa học trắc địa và bản đồ vì sự nghiệp tài nguyên và môi trường: Giới thiệu nhiều đề tài khoa học quan trọng, có ứng dụng thực tiễn cao

Thứ Hai, 12 Tháng Mười Hai, 2016 177 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Ngày 18/10, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ phối hợp với Hội trắc địa bản đồ viễn thám tổ chức Hội nghị khoa học trắc địa và bản đồ vì sự nghiệp tài nguyên và môi trường. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Văn Đức đã tới dự.

Tham dự Hội nghị có các nhà khoa học trắc địa, bản đồ, viễn thám trong và ngoài ngành tài nguyên và môi trường. Đặc biệt, còn có sự tham gia của các nhà khoa học của Trường ĐH Tổng hợp Trắc địa và Bản đồ Matxcơva (Liên bang Nga).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TSKH. Hà Minh Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cho biết, Hội nghị lần này nhằm giới thiệu một số các kết quả nghiên cứu khoa học đã đạt được, một số phương hướng khoa học và công nghệ cần đẩy mạnh nhằm phát triển công tác đo đạc và bản đồ ở nước ta trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, với sự có mặt của các nhà khoa học Liên bang Nga tạo điều kiện để cán bộ khoa học của Việt Nam giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Thời gian qua, thực hiện Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2020, các cán bộ khoa học kỹ thuật của ngành đo đạc và bản đồ đã tập trung nghiên cứu giải quyết nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bách nhằm thúc đẩy sự phát triển của công tác đo đạc và bản đồ trong việc đảm bảo cơ sở trắc địa quốc gia hiện đại dựa trên công nghệ GNSS; phát triển hệ tọa độ động lực ở Việt Nam; xây dựng hệ độ cao dựa trên mặt Geoid cục bộ và mô hình Quasigeoid quốc gia; xây dựng hệ thống trọng lực quốc gia dựa trên công nghệ đo trọng lực tuyệt đối; nghiên cứu khai thác trạm thu ảnh vệ tinh viễn thám thuộc hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường… “Các kết quả nghiên cứu khoa học đó đã phục vụ đắc lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực đo đạc và bản đồ cũng như công tác đào tạo ở các Trường ĐH Mỏ – Địa chất, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường và công tác đào tạo tiến sỹ ở Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ. Các kết quả nghiên cứu cũng tạo ra tiền đề thuận lợi để thúc đẩy công tác hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học với các tổ chức khoa học, công nghệ và đào tạo của các nước Liên bang Nga, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Ba Lan…” Tiến sĩ Hà Minh Hòa nhấn mạnh.

1
Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Hà Minh Hòa phát biểu khai mạc

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Văn Đức ghi nhận sự nỗ lực trong công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ của đội ngũ khoa học kỹ thuật đo đạc và bản đồ đã góp phần quan trọng đảm bảo việc cung cấp cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý và tài liệu bản đồ cho các tổ chức ở Trung ương và địa phương phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, công tác an ninh quốc phòng và chủ quyền của đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức khẳng định, đo đạc và bản đồ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành tài nguyên và môi trường. Công tác nghiên cứu khoa học trắc địa và bản đồ phục vụ cho việc quản lý tài nguyên môi trường. Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức cho biết, trong những năm qua Bộ TN&MT đã chú trọng đầu tư trang thiết bị và kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học của lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã đóng góp cho việc định hướng phát triển ngành đo đạc và bản đồ, đáp ứng các yêu cầu thiết thực trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ TN&MT.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học đã giới thiệu các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực trắc địa, bản đồ và viễn thám. Trong đó, một số đề tài được đánh giá có ứng dụng thực tiễn cao như các đề tài: Nghiên cứu xác định thế năng trọng trường thực của mặt Geoid cục bộ trùng với mặt biển trung bình tại trạm triều Hòn Dấu; Đánh giá độ chênh lệch khác giữa hai loại độ cao chuẩn ở Việt Nam; Chiết xuất năng lượng bức xạ hấp thụ bề mặt khu vực Hà Nội phục vụ nghiên cứu biến đổi khí hậu bằng sử dụng ảnh vệ tinh SPOT; Khai thác dữ liệu nền địa lý để phát triển ứng dụng GIS tại tỉnh Thừa Thiên – Huế; Ứng dụng công nghệ tích hợp LiDAR và máy ảnh số tại Việt Nam.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *