VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Hiện đại hóa mạng lưới độ cao quốc gia phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển KT-XH và ứng phó BĐKH

Thứ Ba, 12 Tháng Mười Hai, 2017 158 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Sáng ngày 24/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Dự án hiện đại hóa mạng lưới độ cao quốc gia phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội và ứng phó biến đổi khí hậu tại một số thành phố lớn và khu vực ven biển.

Tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng là lãnh đạo các Vụ chức năng trực thuộc Bộ, các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, mạng lưới độ cao quốc gia được xây dựng trong hơn 50 năm, qua nhiều thời kỳ khác nhau đã đóng góp vai trò quan trọng trong các công tác đo đạc cơ bản, nghiên cứu địa hình lãnh thổ, lãnh hải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai lũ lụt của nước ta trong thời gian dài. Tuy nhiên, theo điều tra khảo sát năm 2016 về hiện trạng hệ thống điểm mốc độ cao nhà nước hạng I, hạng II trên phạm vi toàn quốc của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cho thấy, do nhiều nguyên nhân tác động mà có tới hơn 30% số lượng điểm mốc độ cao đã bị mất, bị hư hại, nên không còn đủ độ chính xác và độ tin cậy đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu một cách ổn định, bền vững. Mặt khác, mạng lưới độ cao quốc gia hiện nay được xây dựng trên cơ sở công nghệ đo độ cao truyền thống – đo cao thủy chuẩn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ mới – công nghệ đo cao vệ tinh như xu hướng chung của các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng.

Chính vì vậy, nhằm hạn chế những bất cập hiện nay; đồng thời để đáp ứng nhu cầu hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống độ cao quốc gia bền vững, ổn định, đảm bảo xác định chính xác và thống nhất về độ cao của mọi điểm, mọi vị trí trong cả nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là thực hiện Quyết định số 33/2008/QĐ-TTG ngày 27/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020 , Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam triển khai xây dựng và thực hiện Dự án “Hiện đại hóa mạng lưới độ cao quốc gia phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu tại một số thành phố lớn và khu vực ven biển”.


Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam trình bày tóm tắt thuyết minh dự án

Theo ông Phan Đức Hiếu, Dự án “Hiện đại hóa mạng lưới độ cao quốc gia phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu tại một số thành phố lớn và khu vực ven biển” được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020 trên phạm vi toàn quốc, trong đó chú trọng ưu tiên các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh và khu vực 25 tỉnh ven biển, với mục tiêu cụ thể là nhằm hoàn thiện mạng lưới độ cao quốc gia đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của mọi ngành, mọi cấp, đáp ứng được các yêu cầu ứng dụng các công nghệ mới trong xác định độ cao; đặc biệt là kiên cố hóa hệ thống mốc độ cao quốc gia để đảm bảo sử dụng ổn định, lâu dài.
Để thực hiện được các mục tiêu cụ thể đó, ông Phan Đức Hiếu cũng cho biết, Dự án sẽ tập trung thực hiện việc xây dựng một số điểm mốc kiên cố, ổn định lâu dài (được khoan, chôn sâu tới tầng địa chất ổn định) dọc theo các đường độ cao hạng I, hạng II ven biển và tại các thành phố lớn, đảm bảo phục vụ lâu dài cho công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội vàứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta, đặc biệt là ở các thành phố lớn và khu vực ven biển.
Cùng với đó, Dự án sẽ tiến hành việc đo đạc, hoàn chỉnh mạng lưới độ cao quốc gia hiện đại kết nối các điểm mốc kiên cố, ổn định lâu dài, các điểm trạm GNSS CORS, các điểm trọng lực nhà nước, các trạm quan trắc hải văn ở các phân vùng biển; xây dựng và đo lặp mạng lưới quan trắc chuyển dịch đứng tại các thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng bằng phương pháp đo thủy chuẩn; xây dựng, đo lặp các mạng lưới quan trắc chuyển dịch đứng bằng phương pháp kết hợp giữa đo thủy chuẩn và công nghệ đo cao vệ tinh tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long phục vụ việc phân tích, đánh giá, xác định nguyên nhân sụt lún, dự báo xu hướng lún để bổ sung cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu; đồng thời, tính toán bình sai mạng lưới độ cao quốc gia và công bố Hệ số độ cao quốc gia; xây dựng hoàn thiện mô hình GEOID địa phương trên lãnh thổ Việt Nam trên cơ sở các dữ liệu đo đạc bổ sung mới về trọng lực, độ cao và GNSS.
Sau khi nghe đại diện Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Cơ quan chủ trì thực hiện dự án trình bày tóm tắt thuyết minh dự án, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao tính thiết thực của dự án, đồng thời trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý kiến để xây dựng và hoàn thiện thuyết minh Dự án. Trong đó các ý kiến tập trung vào mục tiêu, phạm vi thực hiện, thời gian thực hiện, nội dung và các hoạt động chủ yếu cũng như sản phẩm đầu ra của dự án.
Phát biểu tại cuộc họp, Tiến sỹ Trần Bạch Giang, Chủ tịch Hội Trắc địa – Bản đồ – Viễn thám Việt Nam, Phản biện 1 của Dự án cho biết, thuyết minh của Dự án đã khẳng định được sự cần thiết phải xây dựng và thực hiện Dự án trong thời gian tới. Mục tiêu của Dự án rõ ràng, các nhiệm vụ của dự án cơ bản đầy đủ. Bên cạnh đó, các giải pháp kỹ thuật công nghệ của dự án phù hợp với xu hướng trên thế giới và thực tiễn của Việt Nam, đặc biệt là đã có sự tham khảo các giải pháp của các nước đã thực hiện thành công chương trình hiện đại hóa hệ thống độ cao quốc gia và căn cứ trên thực tế của nước ta là hoàn toàn hợp lý và có tính khả thi cao. Cùng với đó, các thiết kế kỹ thuật của Dự án đã đưa ra được những nguyên tắc, chỉ tiêu cơ bản và thiết kế tổng thể về hiện đại hóa mạng lưới độ cao quốc gia; …
Đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Dự án trong thời gian tới, Tiến sỹ Trần Bạch Giang cho rằng, về thiết kế kỹ thuật, cơ quan thực hiện Dự án cần đưa ra nguyên tắc và các chỉ tiêu thiết kế mạng lưới quan trắc chuyển dịch đứng và đo lặp theo chu kỳ cho 05 thành phố lớn và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; cần nâng cấp, bổ sung, phân tích và kiểm tra các mô hình GEOID hiện có là các kết quả của các đề tài, dự án để tham khảo và làm căn cứ cho các thiết kế đo bổ sung trọng lực chi tiết, xử lý, nâng cấp mô hình GEOID trọng lực của Dự án.


Toàn cảnh cuộc họp

Theo Tiến sỹ Bùi Yên Tĩnh, Trưởng phòng Địa hình, Cục Bản đồ, Bộ Tổng tham mưu, Phản biện 2 của Dự án nhận xét, thuyết minh Dự án có mục tiêu cụ thể, tập trung vào các hướng nhiệm vụ cần thực hiện để đạt được mục đích đề ra, trong đó có các hướng mục tiêu nhằm giải quyết các nhiệm vụ ngắn hạn cũng như lâu dài, đó là việc đo đạc, hoàn chỉnh mạng lưới độ cao theo công nghệ GNSS kết hợp với mô hình GEOID; đồng thời xây dựng và thống nhất hệ thống độ cao quốc gia ổn định, chính xác và lâu dài.
Để dự án đi vào triển khai được hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đề ra trong thời gian tới, Tiến sỹ Bùi Yên Tĩnh đề xuất cần bổ sung phần đánh giá tính khả thi của Dự án về năng lực, trang thiết bị, công nghệ, thời gian; làm rõ hơn phần đánh giá tính hiệu quả của Dự án, khả năng và địa chỉ sử dụng các sản phẩm của Dự án; xây dựng lại nội dung, kế hoạch triển khai Dự án theo thời gian thực tế cũng như là các yêu cầu về kỹ thuật và giải pháp công nghệ; đặc biệt là cần đưa các sơ đồ để thể hiện rõ lộ trình, quy trình và các bước thực hiện Dự án.
Đánh giá cao các giải pháp kỹ thuật, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Hùng Võ cho rằng, hiện đại hóa mạng lưới quốc gia thông qua việc sử dụng công nghệ đo cao vệ tinh và mô hình GEOID địa phương có thể xác định độ cao của mọi điểm với giá thành rẻ, nhanh và có độ chính xác cao hoàn toàn có đủ khả năng cung cấp các số liệu cần thiết, chính xác, nhanh chóng và có hiệu quả cao phục vụ các công tác quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội, cập nhật trực tiếp cho kịch bản biến đổi khí hậu của các thành phố lớn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cho toàn lãnh thổ Việt Nam nói chung.
Về một số đề xuất cho giải pháp kỹ thuật của Dự án, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Hùng Võ kiến nghị cần bổ sung công nghệ và thiết bị đo thủy chuẩn cũng như là tận dụng tối đa đường tuần tra biên giới để mở rộng mạng lưới phủ rộng khắp cả nước; …
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá cao những ý kiến góp ý, đề xuất của các thành viên Hội đồng và tinh thần tích cực, trách nhiệm của các thành viên trong Hội đồng khi dành thời gian nghiên cứu và góp ý xác đáng, giúp cho đơn vị thực hiện có được những kinh nghiệm để triển khai thực hiện tốt Dự án trong thời gian tới.
Thứ trưởng cho rằng nhiệm vụ hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới độ cao quốc gia phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu cho Việt Nam được đặt ra trong bối cảnh hiện nay là thực sự cần thiết, cấp bách, thực hiện đúng mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, để Dự án nhanh chóng đi vào triển khai hiệu quả trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam – Cơ quan thực hiện dự án cần tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng, tổng hợp, chỉnh sửa, hoàn thiện thuyết minh và trình cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *