Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 7/5 Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tham gia kỳ họp.
Tại phiên thảo luận tổ, các ĐBQH tỉnh đã tham gia nhiều ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Đồng chí đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong chuẩn bị dự án luật, đồng chí cơ bản nhất trí với các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự án luật.

Bên cạnh đó, góp ý vào một số quy định như: Về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về hình thức, phạm vi và thời gian lấy ý kiến Nhân dân, đảm bảo tính minh bạch và sự đồng thuận của người dân trong quá trình thay đổi đơn vị hành chính; về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh đề nghị quy định HĐND tỉnh giao cho Thường trực HĐND tỉnh ban hành quy chế làm việc của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND tỉnh, để tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, phù hợp với thực tiễn. Tại khoản 10, Điều 15 về thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, đồng chí đề nghị cần quy định rõ những việc phát sinh cần xin ý kiến của HĐND tỉnh mà chưa tổ chức kỳ họp HĐND, thì giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND để giải quyết nhanh chóng những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, kịp thời phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và những nhiệm vụ theo thẩm quyền. Tại điểm đ, khoản 5, Điều 16 về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh, đề nghị xem xét quy định theo hướng giao thẩm quyền về quản lý ngân sách địa phương, các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính, tài sản công được giao theo quy định của pháp luật cho Chủ tịch UBND tỉnh để bảo đảm chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển, phù hợp với cải cách hành chính, trách nhiệm, thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tại khoản 2, Điều 36 về bầu các chức danh của HĐND, UBND, theo quy định chức danh ủy viên UBND do HĐND cùng cấp bầu, tuy nhiên chức danh này thường xuyên thay đổi do việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc… Do đó đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xây dựng quy định về bầu bổ sung, miễn nhiệm chức danh ủy viên UBND không cần thiết phải trình HĐND cùng cấp.
Cùng phát biểu ý kiến thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đồng chí Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định rõ việc phân cấp theo hướng tăng cường thẩm quyền cho các cơ quan của HĐND tỉnh như: Về cơ cấu tổ chức của HĐND, quy định theo hướng có hai đồng chí Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách trong cả hai trường hợp và nếu đồng chí Chủ tịch HĐND là chuyên trách thì sẽ có tổng số ba đồng chí chuyên trách; tăng thêm chức năng, nhiệm vụ cho các Ban của HĐND tỉnh; tăng cường lực lượng chuyên trách cho các Ban, quy định cụ thể trong Luật Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban của các Ban HĐND tỉnh là chuyên trách.
Tại Điều 15 có quy định một số thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh và khoản 10, có quy định: “Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”, tuy nhiên, chưa nói rõ đến thẩm quyền ủy quyền của HĐND tỉnh cho Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ; vì vậy, đề nghị xem xét quy định rõ thẩm quyền ủy quyền của HĐND tỉnh đối với Thường trực HĐND tỉnh và HĐND ủy quyền cho UBND thực hiện một số nhiệm vụ cho chủ trương đầu tư một số dự án…

Đối với dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đồng chí Lưu Bá Mạc, ĐBQH tỉnh đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung cụ thể về thẩm quyền nội dung “bố trí, kiểm tra, đánh giá” cán bộ, công chức; quyền của cán bộ, công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ; các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức; hồ sơ và quản lý hồ sơ cán bộ, công chức…

Đồng chí Chu Thị Hồng Thái, ĐBQH tỉnh góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đồng chí đề nghị quy định rõ về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội và xem xét quy định rõ chức năng của Công đoàn Việt Nam khi sửa đổi Điều 10 của Hiến pháp năm 2013; nên để nội dung quy định lấy ý kiến Nhân dân trong Hiến pháp…
Quỳnh Lan
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp chất vấn và phiên họp thường kỳ tháng 5/2025
Thường trực HĐND tỉnh họp liên tịch để thống nhất nội dung kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 của HĐND tỉnh
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các dự án Luật: Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Kỳ họp thứ ba mươi sáu Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua 10 nghị quyết
Thường trực HĐND tỉnh họp, cho ý kiến về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp thứ ba mươi sáu (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh
Khảo sát tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh tại huyện Bắc Sơn
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri theo Chuyên đề tại Công an tỉnh Lạng Sơn