VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý kiến vào Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thứ Bảy, 30 Tháng Mười Một, 2024 18 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Chiều 29/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại biểu có góp ý một số nội dung nhằm hoàn thiện các quy định của dự thảo luật cụ thể như sau:

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định tại Điều 1 và Điều 2, đại biểu cho rằng, bên cạnh loại hình doanh nghiệp trên 50% vốn nhà nước, ở nước ta còn có loại hình doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 50% vốn điều lệ và doanh nghiệp dưới 50% vốn điều lệ cần phải nghiên cứu, quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng để bảo đảm bao quát hết các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (F1), đồng thời bổ sung quy định phù hợp để quản lý các doanh nghiệp này. Vì theo đại biểu, khi đã ban hành thành luật thì phải đảm bảo nguyên tắc là ở đâu có vốn nhà nước thì ở đó phải có sự quản lý của nhà nước với các biện pháp, mức độ phù hợp, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung đối tượng này vào phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận

Tại Điều 6 của dự thảo luật, đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định về hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Quyết định đầu tư vốn không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Vì theo đại biểu, phạm vi của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch rộng và chưa cụ thể nên khó xác định khi áp dụng vào thực tế; mặt khác quy định này không phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp và chưa dự liệu được các hết các trường hợp đầu tư theo chỉ định vì mục tiêu chính trị xã hội.

Tại Điều 12, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo không chồng chéo giữa quyền và nhiệm vụ của doanh nghiệp với quyền, nhiệm vụ của người đại diện chủ sở hữu và phù hợp với quy định tại Luật Chứng khoán, Luật doanh nghiệp như: Xem lại quy định về doanh nghiệp thuê thành viên, Hội đồng thành viên, doanh nghiệp thuê thành viên Hội đồng quản trị độc lập theo Luật doanh nghiệp thì thành viên đoàn thành viên do chủ sở hữu vốn cử thành viên của Hội đồng quản trị do Đại hội đại cổ đông bầu, quy định phải đảm bảo sự cân đối giữa thành viên điều hành và thành viên không điều hành, đảm bảo số lượng thành viên độc lập chỉ phù hợp với doanh nghiệp là công ty đại chúng, không bắt buộc với các doanh nghiệp khác. Trách nhiệm báo cáo với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn hoàn thành nhiệm vụ được giao là trách nhiệm của người đại diện vốn, không nên là trách nhiệm của doanh nghiệp.

Về cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn tại Chương VI, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tại Điều 40 về cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu cần nghiên cứu bổ sung thêm một khoản quy định về doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó có thể tách bạch được chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành và địa phương, qua đó giảm thiểu được các quy trình, thủ tục phức tạp, rút ngắn được thời gian xử lý công việc nhằm tranh thủ các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Công tác quản trị doanh nghiệp và tái cơ cấu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được thực hiện một cách chuyên nghiệp giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vốn có cơ chế và nguồn lực để sẵn sàng đầu tư tăng vốn giúp cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp hiệu quả. Mặt khác, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vốn có ưu thế hơn mô hình cơ quan hành chính nhà nước trong việc thu hút các chuyên gia có trình độ chuyên môn về đầu tư và quản trị doanh nghiệp thông qua chế độ lương, đãi ngộ phù hợp để thu hút, giữ chân người tài. Hơn nữa, việc giám sát, đánh giá về kết quả hoạt động đối với mô hình doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vốn là hoàn toàn khả thi.

Đại biểu Triệu Quang Huy cũng cho rằng, doanh nghiệp này thuộc một trong các loại hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có cơ chế hoạt động riêng đặc thù, chi tiết chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của loại hình doanh nghiệp này thì sẽ do Chính phủ quy định.

Trong ngày, Quốc hội đã thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; đồng thời, biểu quyết thông qua các luật gồm: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Quỳnh Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *