VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch năm 2025

Thứ Ba, 5 Tháng Mười Một, 2024 17 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, ngày 04/11/2024, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (VCB). Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên thảo luận ngày 04/11

Tại phiên thảo luận đã có 59 đại biểu phát biểu cùng nhiều đại biểu tranh luận tập trung vào nhiều nội khác nhau như: Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế xã hội năm 2024, dự kiến năm 2025; cho ý kiến đối với tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả đã đạt được, các vấn đề cần lưu ý, quan tâm và có giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật trong thời gian tới… Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội tỉnh Lưu Bá Mạc, đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ một số vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và các bộ ngành trung ương cụ thể:

Đối với vướng mắc về thẩm quyền, thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, hiện nay có 3 nội dung khác nhau quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về thẩm quyền thẩm định, cơ quan đóng dấu thẩm định, đơn vị trình phê duyệt dự án, từ đó dẫn tới những cách hiểu và thực hiện khác nhau, kéo theo những tranh luận trái chiều không dứt giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và địa phương. Theo điểm a, điểm b khoản 1 Điều 18 của Nghị định số 166 quy định thẩm quyền thẩm định các dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ di tích là của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tùy theo di tích các cấp và không có quy định về đóng dấu thẩm định, còn đơn vị trình phê duyệt dự án là chủ đầu tư. Theo Nghị định số 15/2021 lại có quy định là cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định đối với công trình thuộc dự án đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, còn cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc người quyết định đầu tư có trách nhiệm đóng dấu thẩm định và đơn vị trình phê duyệt dự án là cơ quan chủ trì thẩm định. Tuy nhiên, thẩm quyền phê duyệt dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ di tích thì giống nhau, đều là người quyết định đầu tư. Do vậy, đại biểu kiến nghị cân nhắc sửa đổi, thống nhất nội dung quy định thực hiện như đã đề cập nêu trên để đảm bảo sự thống nhất, rõ ràng trong quá trình triển khai thực hiện, tránh những tranh cãi mang tính chất trái chiều không dứt trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Lưu Bá Mạc phát biểu tại hội trường 04/11

Về vướng mắc trong lĩnh vực liên quan đến các tổ chức hội. Ngày 22/8/2023 Ban Bí thư đã ban hành Quyết định số 118-QĐ/TW ban hành Quy chế tổ chức các hoạt động của hội quần chúng, do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương. Do vậy một số Nghị định của Chính phủ cũng như quyết định của Thủ tướng Chính phủ không còn phù hợp với quy định này nữa. Trên cơ sở đó, đại biểu Mạc đề nghị sớm ban hành các văn bản hướng dẫn sửa đổi các văn bản hướng dẫn về quản lý hội để đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với thực tiễn như Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động của quản lý hội, Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về hội có tính chất đặc thù và Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ thù lao đối với người nghỉ hưu, giữ chức vụ lãnh đạo chuyên trách tại các hội để từ đó đảm bảo sự phối hợp với Quyết định số 118 của Ban Bí thư đã nêu trên.

Đại biểu đề nghị các bộ, ngành sớm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục sự nghiệp công cơ bản thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định tại Nghị định số 120 năm 2020 để địa phương có cơ sở để thực hiện sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập. Xem xét việc sửa đổi quy định về số lượng người làm việc tối thiểu thành lập phòng cho phù hợp. Đồng thời đại biểu, trân trọng kiến nghị với Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn về tổ chức thành lập hội đồng quản lý trong các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Điều 7 Nghị định 120/2020/NĐ-CP để đảm bảo giải quyết được những vướng mắc tại thực tiễn địa phương khi chưa có văn bản hướng dẫn.

Đồng thời, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung nội dung về định mức chi thừa giờ cho giáo viên tham gia dạy lớp xóa mù chữ do hiện nay không có quy định tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, để từ đó thống nhất được nội dung tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ chi trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó làm cơ sở cho các địa phương thuận lợi trong quá trình thực hiện.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *