VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 07 Luật

Thứ Năm, 31 Tháng Mười, 2024 26 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Chiều 29/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Quang cảnh phiên họp tổ 13

Thảo luận tại tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH 04 tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang. Tham dự phiên thảo luận tại tổ 13 có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn chủ trì thảo luận tổ.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm chủ trì điều hành phiên thảo luận tổ

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến đều tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung đối với 02 dự án luật nêu trên, qua sửa đổi luật lần này sẽ khắc phục các khó khăn, vướng mắc và bổ sung các quy định trong thực tiễn để có thể khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới. Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn có 02 đại biểu tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, cụ thể:

Tham gia góp ý đối với dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi): Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 74 dự thảo luật, Quốc hội sẽ ủy quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong một số trường hợp là chưa hợp lý, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc giữ nguyên như quy định hiện hành để đảm bảo tuân thủ theo quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, bởi vì kế hoạch đầu tư công trung hạn là căn cứ rất quan trọng để lập kế hoạch đầu tư công và lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; về nâng quy mô vốn đầu tư công dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên như Chính phủ đề xuất tiêu chí dự án quan trọng quốc gia tăng gấp 3 lần là cao. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét tăng 2 lần so với quy định hiện hành để phù hợp với tăng trưởng GDP và năng lực quản lý dự án, bộ, ngành, địa phương và một số các điều kiện khác; về phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý, Luật Đầu tư công hiện hành đang giao cho Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư dự án, còn Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định đầu tư dự án. Đây là một biện pháp để kiểm soát quyền lực, hạn chế việc lạm quyền. Đại biểu cho rằng việc sửa đổi luật phải bảo đảm tính khả thi, gắn với trách nhiệm cân đối, bố trí ngân sách địa phương và kiểm soát khả năng cân đối ngân sách vay, trả nợ cấp địa phương, tránh lặp lại tình trạng quyết định dự án vượt quá khả năng cân đối vốn như trước khi có Luật đầu tư công. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc nên giữ nguyên như quy định hiện hành và trong trường hợp cần thiết có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 07 Luật, cụ thể, với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, đại biểu Triệu Quang Huy đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 8 về việc bổ sung quy định các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn được thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung khoản 10a vào sau khoản 10 Điều 8 về quy định các nhiệm vụ chi được sử dụng nguồn chi đầu tư, chi thường xuyên;…

Đại biểu Triệu Quang Huy cũng cho rằng, việc tạo chủ động cho Chính phủ trong điều hành ngân sách là cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan: Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành… Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm tra cần xem xét nghiên cứu, có quy định phù hợp, một mặt vẫn bảo đảm tính chủ động, kịp thời cho Chính phủ trong phân bổ ngân sách, song mặt khác vẫn phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ

Phát biểu tại thảo luận tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, dự thảo luật đã bám sát 5 nhóm vấn đề lớn gồm: nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch nguồn vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, phát biểu thảo luận tại tổ

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, rà soát đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế; nghiên cứu thêm cơ chế kiểm soát, xử lý để bảo đảm việc tổ chức triển khai thực hiện và quản lý hoạt động đầu tư công đối với các dự án đạt hiệu quả; quy định rõ trong luật là bước phê duyệt chủ trương đầu tư cần phù hợp với các quy hoạch nào liên quan trực tiếp hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể để làm cơ sở thẩm định, thẩm tra, quản lý, tránh để xảy ra thiếu sót dẫn đến sai phạm (nếu có);…

Về phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, quy định của Luật Đầu tư công hiện hành giao HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực. Do đó, nếu quy định phân cấp thẩm quyền cho UBND cùng cấp như tại dự thảo luật thì cần có cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh việc lạm quyền trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 07 Luật, cụ thể là sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, cần thiết quy định rõ người nộp thuế, cá nhân người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là chủ tịch hội đồng quản trị, chủ doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty… phù hợp với Luật Doanh nghiệp, đồng thời bổ sung thêm đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: cá nhân là đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân là chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;

Về sửa đổi, bổ sung Luật Dự trữ quốc gia, đại biểu đề nghị nghiên cứu cơ chế phù hợp trong quy định về dự trù thuốc dự trữ quốc gia; việc dự trữ thuốc quốc gia nếu không được sử dụng thì không bị coi là lãng phí do tính chất đặc thù của mặt hàng này.

Nguyễn Đình Tuân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *