VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ Thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định

Thứ Hai, 14 Tháng Mười, 2024 21 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Ngày 10/10/2024, Đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tổ chức khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ Thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định.

Đoàn Khảo sát do đồng chí Hoàng Quy, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn, thành viên Đoàn có đồng chí lãnh đạo Ban Dân tộc HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; đại diện Sở Công thương, lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định.

Đoàn khảo sát tại mô hình thực hiện đề tài khoa học

Cây Thạch đen là cây trồng truyền thống từ lâu của các đồng bào dân tộc huyện Tràng Định và được trồng nhiều, chủ yếu tại các xã: Kim Đồng, Tân Tiến, Tân Yên, Đề Thám, Hùng Việt, Tri Phương, Chi Lăng và trồng tại tất cả các xã khác trên đia bàn huyện. Trước đây cây Thạch đen là cây trồng xóa đói gảm nghèo và là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân trên địa bàn huyện, tuy nhiên từ năm 2020 trở lại đây giá trị của cây Thạch đen giảm sâu, đầu ra cho sản phẩm không ổn định cho nên diện tích giảm từ 2.508,6ha năm 2021 xuống còn 722,65ha năm 2024. Đến hết năm 2023 trên địa bàn huyện đã có 118 mã số vùng trồng cây Thạch đen với diện tích 574,92ha. Tuy nhiên qua kiểm tra, đến nay tổng số 62/118 mã số không đáp ứng điều kiện duy trì với diện tích 19,1ha. Hiện nay, có một số ít hộ dân trên địa bàn huyện chỉ trồng với diện tích nhỏ để duy trì và giữ giống.

Đoàn đến khảo sát mô hình thực hiện đề tài sản xuất thử nghiệm nguồn gen Thạch đen phục vụ sản xuất hàng hóa do Trường Đại học nông lâm Thái Nguyên thực hiện trên địa bàn thôn Pàn Dào, thôn Hợp Lực xã Kim Đồng, với 33 hộ tham gia thực hiện, các hộ tham gia được hỗ trợ phân bón và được tập huấn kỹ thuật canh tác. Với việc áp dụng kỹ thuật canh tác, bón phân hữu cơ vi sinh đã thu được kết quả tốt, thạch sinh trưởng tốt hơn, cho độ trương lớn (hàm lượng Pectin và một số hoạt chất ảnh hưởng đến chất lượng thạch), bán được giá hơn so với Thạch trồng thông thường.

Đoàn đến khảo sát tại Công ty TNHH sản xuất và đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý

Trên địa bàn huyện hiện có 63 cơ sở, hợp tác xã, hộ kinh doanh thu mua, chế biến xuất khẩu Thạch đen (trong đó có 09 công ty, 02 hợp tác xã, 01 nhà máy chế biến và 51 hộ thu mua nhỏ lẻ). Đoàn đến khảo sát tại Công ty TNHH sản xuất và đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý, địa chỉ tại xã Kim Đồng. Đây là công ty duy nhất trên địa bàn có áp dụng chế biến sâu các sản phẩm từ Thạch đen. Sản phẩm của công ty chủ yếu là tinh bột thạch, quy linh cao, sản lượng trung bình khoảng 4.000 tấn tinh bột thạch/năm phục vụ cho xuất khẩu cho các thị trường như Hồng Công, Đài Loan, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc.

Đoàn đến khảo sát tại Công ty TNHH MTV thương mại nông sản Hải Bình

Đoàn đến khảo sát tại Công ty TNHH MTV thương mại nông sản Hải Bình tại thị trấn Thất Khê. Ngoài việc thu mua, xuất khẩu Thạch đen thô, công ty còn là một đơn vị phân phối các sản phẩm chế biến từ Thạch đen của đối tác Trung Quốc. Sản phẩm giới thiệu rất đa dạng, từ thạch ăn liền loại nhỏ, nước thạch mật ong, trà thạch đóng lon….

Ngoài ra, Đoàn đi khảo sát một số mô hình trông Thạch đen của các hộ dân và khảo sát một số công ty, cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu Thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định để nắm thông tin, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của người dân và các doanh nghiệp để có cơ sở phục vụ phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ Thạch đen trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn dự kiến tổ chức vào tháng 11/2024.

Thanh Tùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *